Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để phong tục lì xì không bị biến tướng

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mừng tuổi hay còn gọi là lì xì đầu năm là một phong tục tốt đẹp trong văn hóa của người Việt. Tùy bối cảnh xã hội, phong tục lì xì có những biến đổi làm đa dạng đời sống văn hóa, tinh thần. Tuy nhiên, phong tục mừng tuổi cũng tồn tại một số biến tướng, làm lệch lạc ý nghĩa nhân văn của truyền thống này.

 Ảnh minh họa.
Sáng tạo hình thức mừng tuổi
Ngày nay khi cuộc sống đã đủ đầy, tục mừng tuổi tuy không còn giữ nguyên như trước và đã có sự sáng tạo thêm dưới nhiều hình thức nhưng vẫn còn đó ý nghĩa vốn có là trao nhau những ước vọng tốt đẹp ngày đầu năm mới. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy: “Nếu trước kia việc trao nhận tiền mừng tuổi chỉ bắt đầu từ ngày mùng 1 Tết thì ngày nay, thời điểm trao nhận tiền mừng tuổi cũng đã có sự thay đổi, mở rộng thời gian cả về trước Tết và sau Tết cùng việc đến thăm, chúc Tết, tặng quà… Sự phát sinh này là do thay đổi nếp sống của cuộc sống hiện đại, khi cuộc sống vật chất đầy đủ thì người ta nghĩ đến hưởng thụ nhiều hơn, cũng như việc “ăn Tết” không chỉ còn gói gọn trong 3 ngày Tết".
Cũng không chỉ trẻ con mới được nhận tiền mừng tuổi từ người lớn, mà đối tượng trao nhận cũng mở rộng cho tất cả. Ngày đầu năm đến công sở, ai cũng hân hoan nhận những phong bao đỏ lì xì đỏ kèm những lời chúc tốt đẹp. Ăn theo sự sáng tạo đó là những chiếc vỏ bao lì xì giờ đây cũng được chú trọng hơn về hình thức. Những năm gần đây, ngoài những mẫu theo phong cách truyền thống, dù là in ấn hay đồ handmade thì trên thị trường cũng ngập tràn những chiếc phong bao lì xì bắt mắt bởi các cách trang trí đẹp, độc, lạ như: Làm theo hình chiếc bánh chưng, hình các con giáp của từng năm, in những câu chúc Tết dễ thương lên vỏ bao lì xì… Một số cơ quan, DN cũng tự làm bao lì xì có in logo đơn vị để tặng cho nhân viên, khách hàng, vừa là thể hiện sự trân trọng với người lao động, cũng là một cách truyền thông thương hiệu.
Ngoài ra, trong đời sống hiện đại, người ta còn lì xì nhau bằng sách, cây xanh hay đồng tiền cổ. Theo phong tục của người Việt, mừng tuổi chủ yếu mang tính tượng trưng. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: “Theo những ghi chép hơn 100 năm về tục Tết cụ Phan Kế Bính, mùng 1 Tết con cái thường đến mừng tuổi ông bà, cha mẹ và lạy 2 lạy. Sau đó, họ mừng tuổi cho trẻ em. Đây là một phong tục nên khi mừng tuổi họ chọn những đồng xu, đồng hào, tiền đẹp nhất về mặt hình thức để đem cái tốt, đẹp cho người khác”.
Nhiều nghề ăn theo
Cùng với những thay đổi trong điều kiện sống, đời sống văn hóa tinh thần cũng có nhiều đổi mới. Do vậy, phong tục mừng tuổi cũng có những thay đổi, biến dạng. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: “Hiện nay, phong tục mừng tuổi có dẫn đến một hệ lụy là tình trạng đổi tiền lẻ, ăn 6, ăn 7, bị cắt giá. Có người đi đổi bằng được tiền 2 đô la, 20.000 đồng, 50.000 đồng nhưng cái đó chỉ là biến dị làm phong phú thêm, không phải tệ nạn. Nhưng, người ta đưa quà Tết, mượn phong tục mừng tuổi để hối lộ là biến tướng phong tục”.
Trong nhiều trường hợp, cuộc sống hiện đại đã làm tục mừng tuổi bị ảnh hưởng bởi sức nặng vật chất nhưng về cơ bản nó vẫn mang ý nghĩa tốt đẹp cần được lưu giữ. Để phong tục mừng tuổi ngày Tết giữ mãi những nét đẹp vốn có của nó, không chỉ cần phải gìn giữ, lan tỏa văn hóa mừng tuổi từ trong gia đình, họ hàng đến bạn bè, đồng nghiệp ngoài xã hội mà hơn hết cần hướng trẻ em hiểu biết về phong tục đẹp này. PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: “Có thể bắt đầu từ việc dạy đứa trẻ hiểu đúng về cách trao - nhận tiền mừng tuổi, dạy trẻ cách quản lý tiền mừng tuổi sao cho hợp lý. Đơn cử như việc dạy cho trẻ hiểu tiền mừng tuổi là một món quà tiết kiệm nho nhỏ, có thể bỏ ống, bỏ lợn, đến cuối năm mới phá ra. Số tiền đó nên để dùng tiền đó mua sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ. Quan trọng nhất là dạy trẻ coi tục mừng tuổi chỉ như một sự tượng trưng cho lời chúc tốt đẹp đầu năm mới”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, phong bao lì xì màu chỉ đơn giản là món quà may mắn đầu năm. Vì màu đỏ là biểu tượng của may mắn, thịnh vượng, tất cả đều chứa đựng trong chiếc phong bao lì xì. Đặc biệt, việc dùng bao lì xì còn thể hiện sự kín đáo nhã nhặn bởi tiền mừng tuổi chỉ là tiền may mắn không quan trọng số lượng.