Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để quân đội thực sự là một trường học lớn

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, trên các địa phương trong cả nước đã nô nức diễn ra ngày hội tuổi trẻ lên đường thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Theo Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh - Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, trong đợt này Hà Nội có hơn 4.200 công dân nhập ngũ, trong đó 20,9% công dân có trình độ cao đẳng, đại học; 28% công dân tình nguyện viết đơn nhập ngũ, 1.294 đoàn viên ưu tú được tham gia lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng.

Từ những con số nêu trên, có thể thấy chất lượng công dân nhập ngũ của Hà Nội tiếp tục được nâng cao, cả về sức khỏe, trình độ văn hóa, ý thức giác ngộ chính trị… Đặc biệt, tỷ lệ 28% công dân viết đơn tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc thể hiện ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ với đất nước, đồng thời cũng cho thấy sự hấp dẫn mạnh mẽ của môi trường quân đội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng đều khẳng định: “Quân đội là trường học lớn của thanh niên Việt Nam”.

Tháng 12/2000, đến dự và phát biểu tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: “Coi Quân đội “như một trường học lớn”, đó là từ của Bác Hồ. Quân đội là trường học để bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ trở thành những con người mới xã hội chủ nghĩa; giáo dục cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng lúc ở trong quân đội thì luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người quân nhân, khi phục viên, chuyển ngành thì tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ mới, tích cực xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Thực tế cho thấy, sống trong môi trường quân ngũ là cơ hội để thanh niên học tập, rèn luyện và trưởng thành. Những phẩm chất tốt đẹp về thể lực, nhận thức, nếp sống kỷ luật, nghiệp vụ quân sự vững vàng, giao tiếp, ứng xử có văn hóa… được hình thành ở mỗi quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Với các chiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, những phẩm chất cơ bản đó là tiền đề quan trọng để họ lập thân, lập nghiệp, tiếp tục đóng góp xây dựng gia đình, quê hương, đất nước.

Với ý nghĩa đó, mỗi thanh niên, mỗi gia đình có con lên đường nhập ngũ đều tin tưởng các đơn vị quân đội là môi trường tốt để bản thân và con em mình học tập, rèn luyện và sẽ trưởng thành vượt bậc sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.

Lễ giao nhận quân tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã được tổ chức đảm bảo tiêu chí "trang trọng, an toàn và tiết kiệm" và thực sự trở thành ngày hội của tuổi trẻ lên đường thực hiện nhiệm vụ với Tổ quốc.
Tuy nhiên, cần phải thấy đây chỉ là sự khởi đầu. Sẽ còn rất nhiều thử thách với các chiến sĩ mới trong một môi trường hoàn toàn mới là quân đội.

Để mỗi thanh niên lên đường nhập ngũ thực sự trưởng thành trong trường học lớn của quân đội, ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi chiến sĩ mới, còn rất cần sự động viên, giúp đỡ của đơn vị, gia đình và chính quyền địa phương.

Với chế độ rèn luyện, học tập, công tác nghiêm cẩn tại các đơn vị, với sự động viên nhắc nhở của gia đình và đặc biệt là việc các địa phương chăm lo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, làm tốt công tác chăm sóc gia đình quân nhân, quan tâm tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ trong học nghề, có công ăn việc làm, khởi nghiệp… góp phần xây dựng kinh tế gia đình, cống hiến cho xã hội, phát huy những phẩm chất đã được rèn luyện trong thời gian tại ngũ.

Với sự phối hợp, quan tâm như vậy, chắc chắn môi trường quân đội với nền nếp kỷ luật, tác phong chính quy, hiện đại sẽ là trường học lớn cho mỗi chiến sĩ lên đường nhập ngũ.