Trong quá trình hoàn thiện, TP đã chỉ đạo cơ quan tổ chức lập quy hoạch và đơn vị tư vấn tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của bộ, ngành, cơ quan liên quan và các chuyên gia phản biện của Hội đồng thẩm định để hoàn chỉnh nội dung, giải pháp quy hoạch của đồ án.
Công khai lấy ý kiến rộng rãi
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (gọi tắt là QHC2011), trở thành công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội từ năm 2011 đến nay.
Trong bối cảnh các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp Vùng và phát triển đô thị, nông thôn đã có những thay đổi, bổ sung, và đặc biệt là được sự chấp thuận của T.Ư, Chính phủ, Quốc hội, TP Hà Nội đã triển khai 3 nhiệm vụ quan trọng gồm sửa đổi Luật Thủ đô, triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô) và triển khai lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (gọi tắt là Quy hoạch chung).
Thực hiện quy trình triển khai lập Điều chỉnh Quy hoạch chung theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật xây dựng, phối hợp song song với nội dung nghiên cứu lập Quy hoạch thủ đô theo Luật Quy hoạch, TP Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội là cơ quan tổ chức lập quy hoạch, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc là cơ quan chuyên môn của TP và cơ quan tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng triển khai các bước lập quy hoạch theo quy định.
Để có được một đồ án quy hoạch chất lượng cao nhất, đáp ứng mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển đột phá về kinh tế - xã hội và bền vững về dài hạn, trở thành trung tâm động lực phát triển của quốc gia, thì việc tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư vào đồ án là rất quan trọng.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đã được công khai lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, đồ án thông qua nhiều buổi hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học phục vụ phản biện đồ án.
Hồ sơ đồ án cũng đã được Bộ xây dựng thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản đến 21 Bộ ngành, Hiệp hội, Hội nghề nghiệp... cũng như các ý kiến đóng góp tham vấn trực tiếp.
Trên cơ sở đó, TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia trong quá trình hoàn thiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý cụ thể của Bộ, ngành T.Ư và cơ quan liên quan nhằm hoàn chỉnh giải pháp quy hoạch, cấu trúc lại hồ sơ sản phẩm gồm báo cáo tổng hợp, bản vẽ, dự thảo quyết định theo các quy định pháp luật hiện hành, chỉnh sửa nội dung quy hoạch theo các góp ý cụ thể của bộ ngành, hội nghề nghiệp, chuyên gia phản biện...
Bổ sung, làm rõ các mô hình phát triển đô thị
KTS Lê Hoàng Phương, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia cho biết, ý kiến góp ý của Bộ, ngành T.Ư, hội nghề nghiệp, chuyên gia phản biện đối với đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đã được nghiên cứu tiếp thu theo nhóm ý kiến và từng ý kiến cụ thể.
Đối với nhóm ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam về xác định chỉ tiêu, quy mô quỹ đất phát triển cho đô thị và các khu chức năng phù hợp với mô hình đô thị. Đơn vị tư vấn đã rà soát điều chỉnh bổ sung các chỉ tiêu quy hoạch, quy mô phát triển, chức năng phát triển cụ thể, các giải pháp không gian của từng khu vực phát triển đô thị nông thôn tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan.
Căn cứ vào đặc điểm phát triển của đô thị Hà Nội gồm khu vực nội đô với các khu vực có giá trị di sản như phố cổ, phố cũ, Hoàng Thành Thăng Long, Hồ Gươm, khu Ba Đình… cần phải thực hiện theo bảo tồn di sản; khu vực đô thị hiện hữu, làng xóm đô thị hóa cần phải thực hiện theo nguyên tắc cải tạo và tái thiết đô thị với các chỉ tiêu, tiêu chí đặc thù để thực hiện; khu vực phát triển đô thị mở rộng, đô thị mới áp dụng theo các tiêu chí đô thị xanh, sinh thái, TOD, thông minh… phù hợp điều kiện của từng khu vực. Đối với các khu vực chức năng đặc thù như khu công nghệ cao, khu đào tạo, khu du lịch, khu văn hóa, thể dục thể thao… sẽ áp dụng các tiêu chí đặc thù.
Bên cạnh đó, tiếp thu góp ý của các Bộ: Xây dựng, KH&CN, NN&PTNT, Công thương, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đơn vị tư vấn đã bổ sung thuyết minh làm rõ các mô hình áp dụng vào Điều chỉnh Quy hoạch chung như: thành phố trong Thủ đô, đô thị xanh, đô thị thông minh, TOD; chuyển hóa các mô hình lý thuyết thành các giải pháp quy hoạch cụ thể.
Quá trình nghiên cứu lập Điều chỉnh Quy hoạch chung đã ứng dụng các mô hình phát triển để lựa chọn chức năng phát triển của từng khu vực, lựa chọn chỉ tiêu tính toán để có quy mô phát triển phù hợp, lựa chọn mô hình tổ chức không gian, kết hợp với mô hình giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo từng khu vực.
Quá trình ứng dụng các mô hình còn phải cân nhắc điều kiện hiện trạng của từng khu vực, kế thừa và phát huy các quy hoạch dự án đã có để chuyển tiếp quá trình phát triển đô thị được nhịp nhàng, không tạo mâu thuẫn, xung đột pháp lý. Các mô hình áp dụng cần tiếp tục được cụ thể hóa ở các giai đoạn lập chương trình triển khai thực hiện, lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết ở cấp thấp hơn và triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Về nội dung cụ thể, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính góp ý, với không gian sông Hồng cần làm kỹ về vấn đề phân lũ, để làm rõ chỗ nào được khai thác để phát triển đô thị.
Hình thành trục đi bộ cầu Long Biên và một số vị trí ven sông Hồng, làm rõ hệ thống giao thông hai bên sông Hồng vì các quy hoạch đã được phê duyệt không có chiến lược phát triển tổng thể trên toàn trục hai bên sông, nên không có sự gắn kết và thống nhất trên toàn tuyến.
Nghiên cứu thêm cầu kết nối, cần tính toán bổ sung thêm cầu qua sông cũng như hình thức đi nổi hay đi ngầm… Nghiên cứu đập dâng để có nước vào các sông và mặt nước sông Hồng đoạn qua trung tâm Hà Nội.
Đối với hệ thống sông Đuống, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích và sông Cà Lồ…. Đây là hệ thống mặt nước, cây xanh, cảnh quan mà Quy hoạch chung phải làm rõ hơn các giải pháp, nhất là việc nạo vét, đưa nước vào sông Nhuệ và các sông hiện hữu khi mà mực nước sông Hồng hiện đang xuống rất thấp…
Ý kiến góp ý của bộ, ngành T.Ư, cơ quan liên quan và các chuyên gia phản biện của Hội đồng thẩm định đối với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được nghiên cứu tiếp thu và cập nhật, hoàn chỉnh vào hồ sơ quy hoạch gồm thuyết minh, bản vẽ, dự thảo quyết định và các văn bản có liên quan.
KTS Lê Hoàng Phương - Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia