Để sử dụng nồi áp suất an toàn và đúng cách
Nồi áp suất rất tiện trong việc nấu các món hầm, ninh,... Nhưng rất nguy hiểm nếu không biết cách sử dụng. Các cách sau có thể giải đáp cho bạn đấy.
- Nồi áp suất là loại nồi nấu có nắp đậy thật kín. Khi nấu, do hơi trong nồi tăng cao nhưng không thoát ra ngoài được nên áp suất tăng lên và kéo theo nhiệt độ trong nồi tăng cao
- Nồi áp suất điện cấu tạo giống như nồi cơm điện quai gài có nắp đậy thật kín, công suất điện cao hơn nồi cơm thông thường. Nó được điều khiển bằng điện tử định giờ nấu, cách nấu và nhiệt độ nấu; có loại dùng bộ định giờ timer và các bộ định nhiệt độ. Loại nồi áp suất điện này rất tiện, đẹp nhưng giá cả lại khá cao, chưa được thông dụng lắm.
- Tùy theo yêu cầu sử dụng mà bạn có thể chọn loại có dung tích lớn hoặc nhỏ cho phù hợp. Thông thường dùng trong gia đình, ta chọn loại 6 lít hoặc 8 lít. Nắp nồi phải đậy kín không bị cong vênh; roan cao su phải bám sát vào miệng nồi; khi đậy hoặc mở nắp không bị sượng gắt; các van, các xú páp hoạt động tốt không bị nghẹt (nên chọn loại có van an toàn loại ba van, các roan cao su tốt không bị chai giòn). Khi mua nên yêu cầu có roan thay thế và phải có sách hướng dẫn sử dụng vì mỗi loại sẽ có thời gian nấu hơi khác nhau.
- Ngoài các loại nồi áp suất cao cấp của Mỹ, của châu Âu thì các loại còn lại chất lượng thường tương đương nên không nhất thiết phải mua loại đắt tiền, trong các loại nồi thì kiểu nắp đậy của Liên Xô là dễ dùng và thông dụng nhất.
- Khi sử dụng không nên nấu lượng thực phẩm đầy quá; thực phẩm nấu chừng 2/3 nồi là vừa. Khi nấu hầm đặc thì nên lót vỉ phía dưới để tránh thức ăn dính đáy nồi.
- Đậy nắp kỹ, vặn nắp đúng chiều để nắp đóng thật kín, kiểm tra lại các van xem nó có nghẹt không.
- Khi đặt lên bếp nấu bằng ngọn lửa lớn, khi thật sôi ta có thể điều chỉnh lửa trở lại. Tùy theo loại thức ăn ta nấu mà có thời gian nấu khác nhau, thông thường nên theo sự hướng dẫn trong sách. Lưu ý thời gian nấu bắt đầu tính từ lúc hơi thoát ra ở van chứ không phải từ lúc bắc lên bếp. Nên dùng một đồng hồ reo để nhắc nhở thời gian nấu (loại đồng hồ lên dây cót).
- Sau khi nấu xong bắc xuống chờ cho đến khi hơi thoát ra hết mới được mở nắp, cẩn thận tránh bùng hơi nóng gây bỏng. Không được dùng nước lạnh đổ lên nồi để làm nguội. Sau khi sử dụng chùi rửa sạch sẽ, không dùng giấy nhám hay đá mài làm trầy xước nồi. Nhớ chùi rửa kỹ ở roan cao-su và các van không để thức ăn bám vào đó.
Khi nấu xong, nhấc van an toàn từ từ ra khỏi vị trí để xả bớt áp lực trong nồi. Sau một khoảng thời gian hãy mở nắp nồi. Lưu ý khi nắp nồi không còn bị áp lực bên trong làm gắn chặt vào thanh gài thì lúc đó hãy xoay nắp thật chậm để hơi nóng bên trong thoát ra.
- Sử dụng nồi áp suất điện hoặc nồi áp suất đun trực tiếp (được phủ bằng sơn chống dính để tránh gỉ sét) phải lưu ý đến lượng thức ăn giới hạn khi cho vào nồi. Đối với thức ăn có độ nở cao và sinh bọt như cháo, đậu, lượng thực phẩm giới hạn là 2/3 dung tích nồi. Đối với các thức ăn khác (thịt, cá) lượng thực phẩm giới hạn không quá 3/4 dung tích nồi.
- Khi nấu cháo, thấy van an toàn thoát hơi nóng ra ngoài thì phải giảm lửa để tránh tình trạng cháo chảy từ từ ra ngoài.
- Lúc nấu thấy có hơi thoát ra từ nắp nồi và thân nồi nghĩa là nắp đậy chưa kín. Xoay nắp nồi ngược chiều kim đồng hồ, rồi từ từ vặn lại theo chiều đậy để thoát hết hơi. Kiểm tra vòng đệm cao su đúng khớp trước khi đậy kín và nấu.
- Thường xuyên vệ sinh van an toàn, ống xả để bảo đảm an toàn khi sử dụng nồi áp suất.