Để tăng trưởng bền vững: Chính sách phải theo kịp thực tiễn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tăng trưởng cao hay không, bền vững hay không phụ thuộc vào nội dung, tốc độ và bản chất của cải cách”-Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung khẳng định tại hội thảo "Kinh tế vĩ mô quý I/2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới" diễn ra vào sáng 11/4.

“Phần dễ làm trước, phần khó để lại”
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), với mức 7,38%, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2018 đã vượt qua hầu hết các kỳ vọng dự báo trước đó. Dù vậy, chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện, vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và chịu tác động của những biến động kinh tế thế giới. Cùng với đó, tăng trưởng tiềm năng cũng đang có dấu hiệu đi xuống.
Người dân thanh toán tiền hàng bằng thẻ tín dụng tại Trung tâm thương mại Aeon Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng.
“Về lạm phát, nếu không phanh các mặt hàng do Nhà nước quản lý thì CPI đã tăng lên nhiều” - ông Dương nhận xét, đồng thời cho rằng cơ quan quản lý chưa thật sự thận trọng trong điều hành giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, nhìn thấy dư địa nên cho tăng giá điện ngay, đã ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh. Ước tính, trong quý I/2018 chi phí sản xuất, kinh doanh tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái và giá xuất khẩu giảm 3,5%.

Quý I năm nay, hoạt động giải ngân thấp, chi ngân sách ít nên giảm được thâm hụt. Dù vậy, đề xuất tăng thuế, nới tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lại đang được Bộ Tài chính kiến nghị đẩy nhanh thực hiện từ 1/6. “Bộ Tài chính đang làm phần dễ trước phần khó để lại”- ông Dương nói và cho rằng, nếu giảm thu cũng nhanh như đề xuất thì đã không bị áp lực tăng thuế. Trong khi chưa xử lý chặt chẽ về gian lận, trốn thuế mà chỉ tăng thuế. Dư luận tranh cãi nhiều nhất là biểu thuế TNCN ước tính tăng thu cho ngân sách 500 tỷ đồng, nhưng phần xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến hết năm 2017 đã lên đến trên 35.300 tỷ đồng.

Tư duy điều hành vẫn dưới 2.0

"Rất mừng khi nghe thông tin Hà Nội đề xuất không vay ODA, không xin Chính phủ làm tuyến đường sắt mà để tư nhân làm. Rồi sau đó đấu thầu công khai, nguồn vốn do Hà Nội tự tạo, hỗ trợ cho nhà đầu tư bằng cách xin để lại toàn bộ vốn ngân sách tăng thêm, từ nguồn vốn cổ phần hóa, nguồn vốn tiết kiệm ngân sách. Nếu các nhà lãnh đạo tỉnh, TP khác cũng đừng ham vào ODA mà theo tư duy mới như Hà Nội, phải thúc đẩy cho những sáng kiến mới, cách làm mới. " - GS.TS KH Nguyễn Mại

Theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các DN FDI và DN trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp.

Vì thế, 3 quý tiếp theo và những năm tới phụ thuộc vào cải cách để DNNVV lớn hơn, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh hơn. Cần tận dụng những lợi ích có được từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), vì đây được đánh giá là hai hiệp định thương mại tự do đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Song, Việt Nam vẫn chưa có những bước sẵn sàng để tận dụng cơ hội đó.

“Chúng ta hay nói 4.0 nhưng tư duy quản lý điều hành của nền kinh tế, cách làm chính sách ở đâu đó dưới 2.0” - Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhận xét. Ví như, để thay đổi ngành nông nghiệp cần dựa vào tích tụ ruộng đất, thay đổi chính sách hạn điền để khắc phục bất cập của tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi nhiều cơ chế về đất đai đang cản trở quá trình phát triển của nền nông nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng tạo nhiều cơ hội, cách thức kinh doanh mới cho DN tư nhân nhưng phản ứng của chính sách rất chậm. Ông Cung cho rằng, cơ quan quản lý phải dũng cảm từ bỏ thói quen cũ, tư duy cũ để chủ động nắm bắt thời cơ mới. “4.0 là phải nhanh, thông minh, linh hoạt, không thể áp dụng quy định đến chục năm không thay đổi" - ông Cung nhìn nhận.