Thoạt đầu, Tết Độc lập là để chỉ Tết Bính Tuất (1946), cái Tết Nguyên đán cổ truyền đầu tiên được tổ chức trong khung cảnh đất nước đã giành độc lập sau 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Trong bài “Tết” đăng trên báo Cứu Quốc năm đó, Bác Hồ gọi đây là “Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập”.
Cũng từ đó, trong dân gian, Tết Độc lập còn được sử dụng khi đón Lễ Quốc khánh 2/9, cột mốc lịch sử trọng đại khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo phong tục Việt Nam, ngoài Tết Nguyên đán là mở đầu cho một năm mới còn có những cái tết khác như Tết Thượng nguyên, Tết Hàn thực, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu... Kể từ 2/9/1945, Tết Độc lập đã đi vào tâm thức của người dân, đánh dấu một kỷ nguyên tốt đẹp cho cả dân tộc và mỗi con người.
Tôi sinh đầu năm 1954, vào những năm 1960 là đã nhớ được ít nhiều. Trong trí nhớ hình thành từ dạo đó, những ngày Quốc khánh luôn để lại những ấn tượng sâu đậm nhất. Khi đó, Hà Nội những ngày Quốc khánh còn vui hơn cả Tết Nguyên đán, vì dịp đó, người dân khắp nơi lại đổ về Thủ đô. Điều đó làm cho Tết Độc lập khác với Tết Nguyên đán, khi mọi người chỉ xum họp gia đình, họ mạc là chính.
Gần đến Quốc khánh 2/9, Hà Nội khi đó lại đông vui hơn hẳn. Người dân khắp nơi đổ về Thủ đô bằng đủ phương tiện. Những chuyến tàu hỏa từ mạn Yên Bái, Lào Cai hay Lạng Sơn, Bắc Giang xuôi về. Những chuyến tàu thủy từ Thái Bình, Nam Định ngược sông Hồng, rồi xe ca từ Thanh Hóa, Nghệ An ra. Hà Nội những ngày ấy rộn rã hẳn lên. Cờ đỏ sao vàng, băng rôn khẩu hiệu treo khắp nơi trên phố. Các công sở, nhà máy, khu phố dựng cổng chào, chăng đèn kết hoa.
Những năm đó, bất kể là năm chẵn hay năm lẻ, đều có lễ duyệt binh tại quảng trường Ba Đình, sau đó đoàn quân đi qua các phố chính trong tiếng quân nhạc hùng tráng và sự đón chào nồng nhiệt của người dân. Vào buổi tối ngày Quốc khánh 2/9, pháo hoa nở bừng trên bầu trời, in xuống bóng nước Hồ Gươm trong tiếng đàn, tiếng hát vang lên từ sân khấu ngoài trời dựng trước cửa Ngân hàng Trung ương chỗ vườn hoa Chí Linh - vườn hoa Lý Thái Tổ hiện nay. Đúng là vui như Tết. Mà dường như trong cái Tết Độc lập có cả những niềm vui của ngày Tết Nguyên đán, đó là sự xum họp, đủ đầy. Những năm ấy Quốc khánh 2/9 là ngày hội thực sự của toàn dân.
Rồi những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Lũ trẻ chúng tôi lúc ấy phải rời xa thành phố, sơ tán về các vùng quê. Không còn lễ duyệt binh, pháo hoa, không còn biểu diễn ca nhạc, nhưng chúng tôi vẫn được vui những cái Tết Độc lập ấm áp tình người. Còn nhớ dạo ấy, người dân các địa phương coi người Hà Nội và những thành phố, thị xã về sơ tán như thành viên chính thức của thôn làng.
Tết Nguyên đán, Tết Độc lập mừng Quốc khánh 2/9, hợp tác xã nông nghiệp đều mổ lợn, mổ bò cho xã viên ăn Tết. Và mỗi gia đình người dân về sơ tán cũng được nhận một phần như các hộ khác, hòa vào không khí phấn khởi chung của làng xóm. Miếng ngon nhớ lâu. Đến bây giờ, sau hơn 60 năm, tôi vẫn không quên những kỉ niệm ấy.
Trong những cái Tết Độc lập xa Hà Nội, một cái Tết với tôi và nhiều bạn bè cùng trang lứa không thể nào quên. Đó là dịp 2/9 năm 1972 ở Quảng Trị. Trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt, đơn vị vẫn tổ chức sinh hoạt truyền thống, kết nạp Đoàn viên mới. Ấm trà Thanh Hương, bao thuốc Tam Đảo, gói kẹo Hải Châu… mà bên hậu cần tích cóp, dành dụm cho buổi liên hoan gợi nỗi nhớ về Hà Nội. Và với những chàng lính Hà Nội hào hoa, không thể thiếu tiếng ghi ta bập bùng cùng những bài hát về Thủ đô yêu dấu…
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay. Không thể không nhớ cách nay một năm, vào dịp Kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh 2/9, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác đang trong giai đoạn phòng, chống dịch căng thẳng với khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, “mỗi phường xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”.
Hà Nội đón Quốc khánh 2/9 trong những ngày giãn cách toàn thành phố. Dù không có những hoạt động kỷ niệm rầm rộ, tinh thần ngày Quốc khánh như vẫn được lan tỏa, phát huy trong công tác phòng chống dịch bệnh để những ngày mùa Thu 2022 này, chúng ta đón một Tết Độc lập trong an lành khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
***
Thời gian như nước chảy qua cầu. Thấm thoắt đã tới lễ kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Những năm gần đây, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh thường được kéo dài, ít nhất cũng vài hôm, đủ cho những tour du lịch ngắn ngày. Đây cũng là chủ trương của Nhà nước nhằm thực hiện kích cầu, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển.
Có dịp lên Mộc Châu ăn Tết Độc lập, tôi được những bậc cao niên ở vùng cao nguyên này kể rằng, từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945, suốt gần 80 năm qua đồng bào người H’Mông chọn đó làm ngày Tết Độc lập (hay còn gọi là Tết Cờ đỏ sao vàng), một cái Tết quan trọng của người H’Mông. Đến nơi đây vào những ngày này mới cảm nhận rõ nét hơn về sự thay đổi và phát triển của cao nguyên Mộc Châu với những gì mà Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đem lại, cái đói, cái nghèo đang dần bị đẩy lùi, điện, đường, trường, trạm… đã vươn đến tận những bản làng xa xôi nhất.
Tương tự như Tết Độc lập ở Mộc Châu, bà con ở Mường Vó, xã Nhân Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình có tục ăn Tết 19/8. Những ngày này, cờ Tổ quốc đỏ rực cả bản Mường. Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, hòa vào niềm vui của dân tộc, phong tục ăn rằm tháng Bảy ở Mường Vó chuyển thành ăn Tết 19/8. Không chỉ có ở Mộc Châu hay Lạc Sơn, ở nhiều địa phương khác trên cả nước vẫn giữ nét đẹp ăn Tết Độc lập. Cho đến nay, với đồng bào Bru Vân Kiều ở Quảng Trị, bà con các dân tộc Tây Nguyên hay đồng bào Khmer Nam Bộ… Tết Độc lập luôn là ngày Tết đặc biệt và thiêng liêng.
***
Năm nay Hà Nội vào Thu sớm. Tôi thường có niềm vui được hòa mình trong lễ chào cờ mỗi sáng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, để được thấy trong hàng người nghiêm trang hướng lên lá cờ Tổ quốc, hòa giọng hát vang giai điệu bài “Tiến quân ca” hùng tráng có nhiều, rất nhiều gương mặt trẻ. Vui và tin rằng, những bạn trẻ ấy chắc không thể quên những gì mà Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 đem lại, không quên ý nghĩa của Ngày Tết Độc lập.
Cũng lại có một tin vui: TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Lễ hội Tết Độc lập nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và Ngày Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền 25/8. Lễ hội Tết Độc lập diễn ra với các hoạt động mà tâm điểm là Lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Triển lãm kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng tháng Tám, Ngày Quốc khánh 2/9, 77 năm Ngày Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác. Đúng sáng 2/9, sẽ diễn ra lễ thả khinh khí cầu kéo đại kỳ rộng 1.800m2 trên sông Sài Gòn… Vậy là vượt qua những khó khăn, đau thương, mất mát, người dân thành phố mang tên Bác lại cùng cả nước vui đón Tết Độc lập.
Mỗi lần đón Tết Độc lập, chúng ta luôn nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn 3 năm nữa, toàn Đảng, toàn dân ta sẽ đón Tết Độc lập lần thứ 80 và xa hơn nữa là những cột mốc quan trọng kỷ niệm 90, 100 năm Ngày Quốc khánh 2/9. Làm theo Di chúc thiêng liêng của Bác, phấn đấu để dân giàu nước mạnh, thực hiện mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra là đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao là cách tốt nhất để Tết Độc lập mãi trường tồn, còn mãi trong tim mỗi người dân đất Việt.
Hà Nội, tháng 8 năm 2022