Nhiều thay đổi về đề thi
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, số lượng môn thi và định dạng cấu trúc đề thi có sự thay đổi lớn theo hướng đánh giá năng lực. Do đó, công tác chuẩn bị được triển khai từ sớm, từ xa, được thử nghiệm và tập huấn kỹ. Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đạt được hiệu quả hơn nữa trong nhiều khâu của kỳ thi.
Theo phương án đã công bố, từ năm 2025, mỗi thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT phải thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 tự chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học và công nghệ). Môn ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút; đề thi có 2 phần: đọc hiểu (4 điểm) và viết (6 điểm). Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.
Ngoài thay đổi số môn thi, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có thay đổi về đề thi. Theo cấu trúc định dạng đề thi đã công bố, các môn thi trắc nghiệm có một số thay đổi như: ngoài dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm cho 4 đáp án chọn 1 đáp án đúng, đề thi bổ sung thêm 2 dạng thức trả lời trắc nghiệm mới (dạng thức trắc nghiệm dạng đúng/sai; dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn); cùng với đó, cách thức tính điểm có một số thay đổi (tại dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới).
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, những thay đổi này giúp phân loại học sinh tốt hơn; góp phần đánh giá chính xác hơn năng lực của các thí sinh dự thi và phân hóa được điểm thi.
Bảo đảm tính kế thừa
Bộ GD&ĐT cho hay, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, bám sát chương trình; đề ngữ văn tránh sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Điều này nhằm khắc phục tình trạng đoán đề, học tủ, học thuộc máy móc. Đề thi bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có sự phân loại theo các cấp độ, đáp ứng yêu cầu kỳ thi với nhiều mục tiêu; yêu cầu học sinh phải vận dụng được kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế, bối cảnh được cung cấp.
Để phù hợp với chương trình và trình độ học sinh, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, bảo đảm có tính kế thừa từ Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Trong cấu trúc đề thi có những dạng câu hỏi, số lệnh hỏi như những năm trước.
Nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, giáo viên trong dạy và học, ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cấu trúc, định dạng đề thi được Bộ GD&ĐT công bố từ tháng 3/2024, giúp học sinh và giáo viên có cả năm học để ôn tập, tiếp cận với cấu trúc định dạng đề thi mới.
Bộ GD&ĐT cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn cho giáo viên trên toàn quốc về cách thức ra đề thi theo cấu trúc định dạng đề thi mới, giúp giáo viên, sở GD&ĐT nâng cao năng lực ra đề thi.
Bộ có nhiều văn bản hướng dẫn, định hướng những thay đổi về đề thi, kỳ thi để thí sinh và các nhà trường chủ động trong công tác dạy, học và ôn tập.
Trước thềm năm học 2024 - 2025, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn công tác tổ chức dạy học ở các cấp học. Đối với cấp trung học, Bộ lưu ý khi ra đề kiểm tra cần bám sát cấu trúc, định dạng để đánh giá học sinh. Quá trình dạy học và thiết kế đề kiểm tra phải tuân thủ và thực hiện đúng quy trình, từ xác định đúng mục đích của đề, lựa chọn bối cảnh phù hợp để học sinh vận dụng kiến thức đã học khi xử lý các tình huống thực tiễn trong đời sống. Bộ nhấn mạnh, sẽ sớm công bố đề thi minh họa để các địa phương, giáo viên và học sinh chuẩn bị tốt cho công tác ôn thi.
Bộ GD&ĐT đang dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để xin ý kiến rộng rãi dư luận xã hội. Theo phương án dự kiến, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra ngày 26 - 27/6 với 2 bộ đề thi, gồm 1 bộ đề thi cho thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 1 bộ đề thi cho thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dự kiến ban hành trong tháng 11/2024.