Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để thực phẩm giữ được vi chất dinh dưỡng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vitamin và chất khoáng rất cần thiết cho sức khỏe con người. Nếu cơ thể thiếu vitamin và chất khoáng có thể dẫn tới một số bệnh như mù lòa do thiếu vitamin A, thiếu máu do thiếu sắt, bướu cổ do thiếu iốt.

Việc lựa chọn và chế biến thực phẩm để không bị hao hụt các chất dinh dưỡng nói chung và vi chất nói riêng rất quan trọng.

Nhóm thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng

Vi chất dinh dưỡng có ở trong các thức ăn nguồn gốc động vật (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa...) và thức ăn nguồn gốc thực vật (các loại rau xanh và hoa quả). Nên chọn thực phẩm tươi, ngon để đảm bảo an toàn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
lNhóm thịt: Một số loại thức ăn nguồn gốc động vật có lượng vitamin A cao như gan gà, gan lợn, gan vịt, trứng gà, trứng vịt, sữa bột toàn phần. Một số thức ăn nguồn gốc động vật có hàm lượng sắt cao như tiết bò, gan lợn, gan bò, bầu dục lợn…

lRau xanh: Vitamin A có trong thức ăn nguồn gốc thực vật giàu Beta-caroten là những loại rau và hoa quả có màu xanh đậm, vàng, đỏ như rau ngót, rau dền đỏ, dền cơm, rau muống, gấc, cà rốt, ớt vàng to. Những loại rau giàu sắt gồm: Rau đay, rau dền trắng, cần tây, mộc nhĩ, nấm hương khô, cùi dừa già, vừng, đậu nành, đậu đen... Thức ăn nguồn gốc thực vật cũng chiếm một tỷ lệ sắt cao nhưng hấp thu kém hơn so với thức ăn nguồn gốc động vật.

Chế biến thực phẩm đúng cách
Theo số liệu điều tra toàn quốc về vi chất dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng vừa công bố, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em Việt Nam là 27,8%, phụ nữ tuổi sinh đẻ là 25,5% phụ nữ có thai là 32,8%.

Việc bảo quản cần phù hợp với từng nhóm thực phẩm để không bị mất các chất dinh dưỡng, đồng thời đảm bảo độ tươi, ngon khi chế biến món ăn. Đối với nhóm rau xanh và hoa quả, cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Đối với nhóm thịt, cá, hải sản, nếu chưa chế biến ngay, cần bảo quản trong tủ đông lạnh. Nhóm trứng, sữa cần để ngăn mát tủ lạnh hoặc nơi mát trong nhà, tránh ánh nắng trực tiếp.

Sơ chế thực phẩm trước khi chế biến cũng cần đúng cách. Với rau xanh, cần rửa dưới vòi nước chảy, không nên ngâm rau quả lâu trong chậu nước, tránh mất các vitamin B, C và một số khoáng chất hòa tan trong nước. Với hoa quả rửa sạch bằng nước, gọt vỏ, loại bỏ các quả sâu, dập nát. Sơ chế xong cần chế biến ngay, để lâu sẽ làm mất các chất dinh dưỡng.

Trong các cách chế biến món ăn, thì cách ăn tươi sống hoặc hấp được cho là tốt hơn vì giữ được nhiều chất dinh dưỡng của thực phẩm, trong khi cách chế biến theo kiểu luộc, hầm, nướng, rang, rán, chiên làm mất chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, trong quá trình chế biến thực phẩm, để hạn chế hao hụt các chất dinh dưỡng cần thực hiện các nguyên tắc sau:

- Sử dụng nước vừa đủ tùy theo số lượng thực phẩm, số người ăn để chế biến thì món ăn sẽ ngon, tiết kiệm thời gian.

- Giảm thời gian nấu ăn: Các vitamin và chất khoáng sẽ bị hao hụt rất nhiều trong thời gian chế biến, chỉ đun đến khi thực phẩm vừa chín tới, đậy vung khi đun nấu. Cần ăn ngay khi thực phẩm còn nóng.

- Trong quá trình chế biến, giảm nhiệt độ ở mức vừa phải giúp hạn chế sự mất đi hoặc biến đổi các chất dinh dưỡng. Ví dụ, khi chế biến món ăn xào, rán, chiên cần hạn chế nhiệt độ cao.

Nếu biết lựa chọn cách chế biến, cách ăn phù hợp sẽ làm giảm tối thiểu lượng các chất dinh dưỡng bị hao hụt của thực phẩm và hạn chế tạo ra các chất bất lợi cho sức khỏe.

Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay là kết hợp đồng thời các giải pháp. Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp quan trọng, cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm và đa dạng hóa bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng một cách lâu dài và bền vững.