"Quy chế của lễ hội lại cho rằng chủ trâu chịu trách nhiệm về các vấn đề mất an toàn do trâu gây ra, vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?", bà Ninh Thu Hương - Phó Cục trương Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã đưa ra thắc mắc.
Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL kiểm tra nơi xảy ra tai nạn chết người của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. Nguồn: Báo Tổ quốc. |
Theo báo cáo của ông Hoàng Xuân Minh - Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn vòng loại Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2017 diễn ra vào hồi 7 giờ 30 ngày 1/7/2017 (tức ngày 8/6 năm Đinh Dậu) gồm 16 trận đấu với 32 "ông trâu". Từ trận thứ nhất đến trận thứ 13 diễn ra an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, đến trận thi đấu thứ 14, trâu số 18 của ông Đinh Xuân Hướng (phường Vạn Hương) bất ngờ đuổi tấn công người. Sau khi ông Hướng bị trâu húc, Bộ phận y tế của Ban tổ chức (BTC) ngay lập tức có mặt và tiến hành sơ cứu, đưa ông Hướng đi cấp cứu. BTC đã chỉ đạo lực lượng nhốt trâu số 18 vào vị trí an toàn và tạm dừng các trận thi đấu còn lại.
Lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn khẳng định, trong lịch sử lễ hội chọi trâu của Đồ Sơn chưa bao giờ xảy ra tai nạn dẫn đến chết người như vậy. "Đây là sự cố hy hữu và đáng tiếc", ông Hoàng Trung Hiếu - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng BTC lễ hội cho biết. Theo ông Hiếu, BTC đã có quy chế chặt chẽ, có phương án đảm bảo an ninh, an toàn... Mong muốn của địa phương là tiếp tục được tổ chức vòng chung kết chọi trâu và sẽ rút kinh nghiệm, kiểm tra sai sót, tăng cường chặt chẽ hơn về khâu mua trâu, huấn luyện, theo dõi trâu, nếu có biểu hiện gì bất bình thường phải triệt để cấm tham gia lễ hội.
Tuy nhiên, ông Trần Kim Hậu - đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL cho rằng, việc tuyển trâu vẫn dựa trên kinh nghiệm và do các chủ trâu là chính, chính quyền vẫn chưa sát sao. Theo ông Hậu, phải có chuyên gia về gia súc hỗ trợ vào khâu tuyển trâu, giám sát trâu đầu vào, chỉ dựa trên kinh nghiệm của các chủ trâu thì khó kiểm soát độ an toàn.
"Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không phải chỉ ở phần chọi trâu mà ở giá trị tâm linh và phần lễ. Trong 28 năm qua, chúng ta đã đặt đúng vấn đề thông tin về giá trị tinh thần của lễ hội hay chưa? Phần quảng bá lễ hội tại địa phương vẫn chỉ chú ý ở phần chọi trâu, ít đề cập phần giá trị thiêng liêng, cốt lõi di sản. Vì vậy, đề nghị Sở VHTT Hải Phòng tham mưu cho UBND TP và UBND Quận Đồ Sơn có cách tổ chức khác, phù hợp hơn", bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nêu ý kiến.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng yêu cầu địa phương rà soát lại các văn bản, quy định trách nhiệm, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các văn bản quản lý lễ hội một cách rõ ràng, chặt chẽ hơn. Đề nghị dừng Lễ hội chọi trâu năm 2017, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu Sở VH&TT tham mưu UBND TP Hải Phòng xây dựng lộ trình tổ chức phù hợp và xem xét tổ chức buổi làm việc giữa Lãnh đạo Bộ VHTTDL với Lãnh đạo TP Hải Phòng để có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, sau sự vụ trâu chọi húc chết chủ, UBND TP Hải Phòng ra công văn hỏa tốc yêu cầu quận Đồ Sơn dừng tổ chức lễ hội chọi trâu năm 2017, kiểm tra chất kích thích, tăng lực (nếu có) còn tồn dư trong trâu số 18. Các cơ quan liên quan báo cáo kết quả và biện pháp khắc phục hậu quả của sự việc nêu trên về UBND TP tổng hợp, báo cáo Thường trực Thành ủy, Bộ VH-TT&DL trước ngày 4/7/2018.
Như báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, vào khoảng 11 giờ 30 ngày 1/7, tại vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017 khi hai trâu chọi được dắt vào sới thì trâu số 18 đột ngột lao vào tấn công chủ nhân của đối thủ (số 23), nhưng khi không đuổi kịp thì quay lại tấn công người vừa dắt mình vào sới. Người này bị trâu chọi số 18 húc nhiều lần, hất tung lên, đâm xuyên chân trái. Rất nhiều người đã lao vào cứu. Sau khi được sơ cứu, nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu. Chủ trâu chọi số 18 là ông Đinh Xuân Hướng đã tử vong vào khoảng 19 giờ ngày 1/7, sau nhiều giờ cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.