Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nam Định lấy ý kiến đại diện hộ gia đình về đặt tên phường, xã sau sắp xếp

Kinhtedothi - Ngày 24/4/2025, UBND tỉnh Nam Định ban hành Công văn số 380/UBND-VP8 về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp và hoàn thiện hồ sơ.

Ưu tiên giá trị lịch sử, văn hóa khi đặt tên xã, phường mới

Trước đó, theo đề án ban hành ngày 21/4, tỉnh Nam Định dự kiến đặt tên các xã, phường mới theo tên xã phường hiện tại kèm số thứ tự, như phường Nam Định 1, 2, 3; xã Nam Trực 1, 2, 3... Tuy nhiên, sau khi tiếp thu phản hồi cử tri, UBND tỉnh quyết định điều chỉnh, loại bỏ cách đặt tên theo số thứ tự. Thay vào đó, tên gọi mới sẽ gắn với yếu tố lịch sử, địa danh cổ, tên làng truyền thống hoặc tên gọi lâu đời, có giá trị văn hóa của các xã, phường cũ.

Trong số 8 phường mới dự kiến thành lập từ việc sáp nhập các đơn vị hành chính hiện tại của TP Nam Định và các xã lân cận, nhiều tên gọi mang đậm dấu ấn lịch sử được đề xuất sử dụng.

Cụ thể: phường Thiên Trường được thành lập từ phường Lộc Hạ và các xã Mỹ Tân, Mỹ Trung - tên gọi này từng là phủ Thiên Trường, nơi phát tích của nhà Trần, gắn liền với quê hương vua Trần Thái Tông.

Phường Đông A (từ phường Lộc Hòa và các xã Mỹ Thắng, Mỹ Hà) mang hào khí Đông A, biểu tượng tinh thần của triều đại Trần trong ba lần đánh bại quân Nguyên Mông.

Phường Vị Khê dự kiến thành lập từ phường Nam Phong và xã Nam Điền, lấy theo tên làng hoa truyền thống nổi tiếng của tỉnh Nam Định, gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh hàng trăm năm qua.

Ngoài ra, tên gọi Thành Nam, cách người dân thân thương gọi TP Nam Định từ lâu cũng được đề xuất dùng đặt tên cho phường mới được hợp nhất từ phường Mỹ Xá (TP Nam Định) và xã Đại An (huyện Vụ Bản).

Không chỉ ở TP, nhiều địa phương khác cũng áp dụng phương án đặt tên giàu giá trị lịch sử, văn hóa. Xã Nam Ninh (huyện Nam Trực) dự kiến thành lập từ các xã Nam Hoa, Nam Lợi, Nam Hải, Nam Thanh, gợi nhớ đến tên gọi một huyện cũ thời xưa hợp nhất từ Nam Trực và Trực Ninh.

Xã Ninh Giang (Trực Ninh), tên gọi gợi liên tưởng đến sông Ninh, dòng sông chảy qua địa bàn mang đậm dấu ấn địa lý vùng.

Xã Hải Thịnh (Hải Hậu), khôi phục lại tên cũ của thị trấn Thịnh Long, nổi tiếng với bãi biển Thịnh Long, sau khi hợp nhất cùng các xã Hải Châu, Hải Ninh.

Theo đề án, tỉnh Nam Định hiện có 175 đơn vị hành chính cấp xã (14 phường, 146 xã, 15 thị trấn), dự kiến sẽ giảm xuống còn 57 (8 phường, 49 xã), giảm 67,43%.

Tỉnh Nam Định đang tổ chức lấy ý kiến cử tri về đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới. Ảnh: Viết Dư

Phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp đơn vị hành chính

Cùng với việc đổi tên, tỉnh Nam Định đang triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, bảo đảm duy trì hoạt động ổn định của chính quyền cấp xã mới.

Theo đó, chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị hành chính cấp xã mới; có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.

Tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp, không kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã. Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện, cấp xã hiện có để bố trí làm việc tại cấp xã mới. Sau đó, thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định.

Tỉnh cũng sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính mà vẫn là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian 6 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác. Sau thời hạn này, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định của Chính phủ, quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy bảo đảm đúng đối tượng và quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp mà có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền theo phân cấp thực hiện việc rà soát, đánh giá và thực hiện chính sách, chế độ theo quy định hiện hành của Chính phủ, bảo đảm giữ được người có năng lực nổi trội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trường hợp cán bộ, công chức ở cấp huyện và cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bố trí đảm nhiệm vị trí việc làm ở cấp xã mới thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

Thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định.

Sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn (xóm), tổ dân phố và thực hiện chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.

Sau sắp xếp, tỉnh Nam Định còn 57 đơn vị hành chính cấp xã

Sau sắp xếp, tỉnh Nam Định còn 57 đơn vị hành chính cấp xã

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Xét duyệt hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá năm 2025

Xét duyệt hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá năm 2025

24 Apr, 08:49 PM

Trong xét duyệt hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu tập trung rà soát, xem xét, nghiên cứu, đánh giá thật kỹ, hết sức công tâm, khách quan, thận trọng đối với từng trường hợp cụ thể, bám sát điều kiện, tiêu chuẩn đã được nêu trong Luật Đặc xá và Quyết định của Chủ tịch nước.

Tìm hiểu về Luật Thủ đô năm 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động

Tìm hiểu về Luật Thủ đô năm 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động

24 Apr, 02:23 PM

Kinhtedothi - Sáng 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Quốc Oai tổ chức chương trình Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách với chủ đề "Tìm hiểu về Luật Thủ đô năm 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động".

Đà Nẵng chủ động bảo đảm dịch vụ du lịch dịp lễ 30/4 - 1/5

Đà Nẵng chủ động bảo đảm dịch vụ du lịch dịp lễ 30/4 - 1/5

23 Apr, 05:11 PM

Kinhtedothi - Nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động phục vụ du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch và đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch trên toàn địa bàn.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ