Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để trẻ đi ngủ đúng giờ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số cha mẹ có thói quen nằm xuống bên cạnh con cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ. Điều này có thể giúp trẻ ngủ ngay nhưng sẽ không có hiệu quả về lâu dài.

Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ. Cũng giống như những kỹ năng khác, đúng giờ sẽ trở thành thói quen và giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống. 

Trẻ không chịu đi ngủ đúng giờ là điều khổ sở đối với không ít các bậc cha mẹ. Dưới đây là những lời khuyên của các chuyên gia tâm lý giúp cho trẻ đi ngủ đúng giờ.

Yêu cầu thật nghiêm với trẻ: Cha mẹ thường xuyên có mâu thuẫn với trẻ về việc đi ngủ, nhưng bố mẹ cần nghiêm đối với trẻ, trẻ sẽ bắt buộc phải tuân thủ.

Quan tâm tới tâm lý của trẻ: Khi trẻ đang chơi, cha mẹ lại yêu cầu trẻ lên giường đi ngủ là một việc không nên làm. Biện pháp tốt nhất là nhắc nhở với trẻ rằng: “Còn nửa tiếng nữa là tới giờ đi ngủ” để trẻ có thời gian quen dần với khái niệm đi ngủ.
Để trẻ đi ngủ đúng giờ - Ảnh 1
Cần phải giải thích rõ với trẻ quá trình chuẩn bị đi ngủ: Đối với trẻ, ngủ là một việc đáng ngại, vì trẻ thường cho rằng hễ chúng đi ngu thì sẽ không dậy nữa và chúng không biết ngày hôm sau khi tỉnh dậy mọi thứ xung quanh có thay đổi không. Vì vậy, trước khi đi ngủ, cần phải giải thích cho trẻ về điều mà bạn yêu cầu làm. Sau khi hiểu cần phải làm gì, trẻ sẽ dễ dàng nghe theo. Khi trẻ lên giường, bạn nên kể chuyện cho chúng nghe, đắp cho chúng những chiếc chăn len hoặc chăn bông mà chúng thích. Làm như vậy sẽ khiến cho trẻ có cảm giác an toàn khi ngủ.

Cần có thời gian ngủ cố định: Làm như vậy sẽ tạo cho trẻ thói quen dọn dẹp nhà cửa, rửa mặt, đánh răng và lên giường đi ngủ theo trình tự và vào khoảng thời gian như nhau trong mỗi tối.

Cần phải giữ yên tĩnh trong khoảng thời gian trước khi ngủ. Ác mộng, mộng du hoặc sợ bóng tối… ít xảy ra đối với những đứa trẻ được yên tĩnh trước khi lên giường đi ngủ.

Kịp thời khen ngợi những tiến bộ của trẻ. Khi trẻ có tiến bộ đối với việc đi ngủ, cha mẹ cần khen ngợi ngay sau khi chúng ngủ dậy vào sáng hôm sau. Làm như vậy, có thể khiến trẻ quen dần, điều này sẽ giúp chúng hiểu rằng để đi ngủ đúng giờ không phải là việc khó. Nếu trẻ cáu kỉnh hờn dỗi thì không nên để ý tới chúng. Đó là biện pháp tốt nhất để đối phó với sự hờn dỗi của trẻ. Tuy nhiên, đối với những trẻ quen thu hút sự chú ý hoặc quan tâm đặc biệt của người khác bằng hờn dỗi cáu kỉnh thì cha mẹ cần phải tốn thời gian hơn một chút mới có thể sửa được tật xấu này. Cha mẹ cần biết rằng, lúc đầu trẻ chi hơi hờn dỗi hơn. Và nếu thấy bạn không để ý tới, trẻ sẽ gào to hơn, quậy phá hơn, hòng làm bạn phải tức giận. Gặp trường hợp này, bạn cần kiên trì và dần dần cơn hờn dỗi của trẻ xẹp xuống, cuối cùng trẻ sẽ bình tĩnh trở lại.

Khi trẻ lên giường đi ngủ, bạn không nên quá chú ý tới những trò nghịch ngợm chúng. Nếu trẻ nhảy từ trên giường xuống, cần bình tĩnh dẫn chúng trở về giường, hết sức cố gắng tránh không để cho trẻ hưng phấn.

Lưu ý:

- Tuyệt đối không quát mắng và dọa ma bé. Hãy để giấc ngủ của bé đến thật nhẹ nhàng.

- Hạn chế đồ ăn và thức uống trước giờ đi ngủ, tránh nhưng chất kích thích như nước ngọt, bánh kẹo...

- Một số cha mẹ có thói quen nằm xuống bên cạnh con cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ. Điều này có thể giúp trẻ ngủ ngay nhưng sẽ không có hiệu quả về lâu dài. Điều quan trọng là phải khiến trẻ thoải mái và tự tin. Tuy nhiên trẻ nên tự đi ngủ một cách độc lập vì bố mẹ không phải lúc nào cũng ở bên cạnh. Nếu bạn tạo cho trẻ thói quen chỗ nào phải có bạn trẻ mới đi ngủ, như thế về sau sẽ rất khó cho cả hai vợ chồng bạn, và không tốt với trẻ nếu một ngày nào đó bạn phải đi công tác xa.

Trong trường hợp, bạn lo lắng về những vấn đề ngủ của bé, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ. Không có một cách chắc chắn để trẻ ngủ ngon, nhưng phần lớn trẻ đều có khả năng ngủ tốt. Điều mấu chốt là bạn phải sớm tạo cho con thói quen đi ngủ tốt.