Để trường học không ma túy

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, các trường trung cấp, cao đẳng đã đẩy mạnh tuyên truyền, đưa chuyên đề phòng chống ma túy (PCMT) vào chương trình giảng dạy chính khóa và phối hợp với gia đình quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên (HSSV).

Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật trong đó có nội dung phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên. Ảnh: Oanh Trần 
Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật trong đó có nội dung phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên. Ảnh: Oanh Trần 

Dành nhiều thời lượng tuyên truyền phòng, chống ma túy

Tình hình tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có diễn biến rất phức tạp; xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh, đang dần thay thế thuốc phiện, heroin. Đáng lo ngại, một bộ phận giới trẻ là thanh thiếu niên, HSSV chưa nhận thức được tác hại của ma túy, cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp không gây nghiện, sử dụng ma túy tổng hợp là thời thượng, sành điệu… Điều này không chỉ là tệ nạn xã hội mà còn gây rối loạn tâm thần (ngáo đá), dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng.

Để môi trường học đường trong sạch, không có tệ nạn ma túy, ngay đầu năm học mới 2022 - 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TP Hà Nội đã phối hợp với công an tổ chức hội nghị tuyên truyền PCMT. Sau đó các em HSSV lại được giáo viên tuyên truyền PCMT trong giờ sinh hoạt tại lớp học thông qua những phóng sự, tờ rơi, hội thi tìm hiểu về Luật PCMT…

Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng cho biết: Ngày 12/9, chúng tôi đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về pháp luật với báo cáo viên là Trưởng công an xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) tuyên truyền đến SV trong toàn trường về an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ… và dành nhiều thời gian để nói về tác hại của ma túy. Đồng thời, trường có các tài liệu PCMT được giáo viên chủ nhiệm chuyển đến HS, đồng thời phân tích để các em hiểu rõ tác hại, từ đó không mắc phải…”.

Các trường cao đẳng đã tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân sinh viên” dành cho HSSV với rất nhiều chuyên đề, trong đó có buổi nói về ma túy và PCMT trong học đường. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm phối kết hợp với cán bộ lớp tiếp tục giáo dục tuyên truyền phòng, chống các tệ nạn xã hội đến HSSV bằng hình ảnh, clip, trò chơi.

“Ngoài việc tuyên truyền chung, chương trình PCMT còn được chúng tôi lồng ghép vào môn Pháp luật, kỹ năng mềm để HSSV nắm được các điều luật liên quan đến tội phạm về tệ nạn ma túy” - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Huy cho hay.

Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cũng đưa chuyên đề phòng, chống tham nhũng và PCMT học đường với khối lượng 15 giờ vào chương trình chính khóa cho HSSV. Chuyên đề này được coi như một môn học; giáo viên kiểm tra, đánh giá quá trình tham gia học tập của HSSV. Vào đầu năm học mới, nhà trường triển khai cho 100% HSSV ký cam kết không tham gia tệ nạn xã hội, đua xe trái phép. Ngoài ra, trường còn xây dựng những hòm thư nhằm khuyến khích các em HSSV phát hiện, tố giác các đối tượng mắc nghiện, tàng trữ các chất ma túy tại nhà và nơi công cộng.

Đồng bộ các giải pháp

Các cơ sở GDNN có HS theo học mô hình 9+ (trung cấp nghề và văn hóa GDTX cấp THPT), độ tuổi dưới 18 nên nhà trường cùng giáo viên chủ nhiệm hết sức sát sao liên hệ với phụ huynh, phối kết hợp cùng quản lý giáo dục các con tránh xa ma túy. Giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh được kết nối hằng ngày, hàng giờ thông qua nhóm zalo để khi HS vắng mặt, gia đình sẽ được thông báo ngay. Khi thấy HS có biểu hiện khác lạ, giáo viên chủ nhiệm cũng báo ngay cho phụ huynh để gia đình và nhà trường cùng có phương hướng giải quyết.

Đối với các em HSSV, thông qua những buổi tuyên truyền kiến thức về PCMT do nhà trường tổ chức đã biết được ma túy là gì, nguồn gốc của ma túy, nhận biết các loại ma túy, dấu hiệu người nghiện, hệ lụy của việc sử dụng ma túy để có cách phòng tránh.

“Em được biết sử dụng ma túy ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân, gia đình, kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Là HS, em không sử dụng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; không xúi giục người khác tham gia tệ nạn xã hội. Khi phát hiện những cá nhân tổ chức có liên quan tới ma túy, em sẽ báo ngay cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý…” - Nguyễn Thị Nga là HS trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội cho hay.

Dự báo tình hình tội phạm về tệ nạn ma túy sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; các phương thức vận chuyển tinh vi và thường xuyên thay đổi. Trong khi đối tượng HSSV còn nhỏ, chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống, vì thế, nhiều nhà trường đã lên kế hoạch thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm PCMT cho các em.

Cụ thể, các trường dán poster tuyên truyền về tác hại của ma túy và cách phòng chống tại những khu vực chung (chiếu nghỉ cầu thang bộ, hành lang, khu vực nhà vệ sinh của các tòa nhà…). Trong các giờ sinh hoạt hằng tuần, giáo viên chủ nhiệm tiếp tục nhắc nhở HSSV không tham gia vào các tệ nạn xã hội. Có những trường bố trí các cây bán nước tự động để HSSV tự mua, đảm bảo an toàn. Căng tin của nhà trường chỉ bán đồ uống và đồ ăn nhẹ có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dưới sự giám sát của trường.

Bộ phận y tế của các trường luôn có sẵn que test nhanh ma túy để test HSSV có hiểu hiện sử dụng ma túy. Nếu trường hợp có kết quả dương tính, nhà trường sẽ thông báo với gia đình và địa phương nơi cư trú để phối hợp trong cai nghiện ma túy.

Để giáo dục và đào tạo HSSV một cách toàn diện, trong thời gian tới, các trường trung cấp, cao đẳng tiếp tục tuyên truyền và vận động HSSV nâng cao ý thức PCMT, công khai chế tài xử lý kỷ luật những người vi phạm. Đồng thời, thường xuyên thanh kiểm tra những hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường quản lý và giáo dục HSSV. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao lành mạnh nhằm thu hút đông đảo HSSV tham gia rèn luyện sức khỏe và được tuyên tuyền về PCMT…