Để vải thiều năm 2023 được mùa, trúng giá

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa sẽ bước vào chính vụ thu hoạch quả vải thiều của Việt Nam. Nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ đã được ngành Công Thương và địa phương là vùng trồng trọng điểm triển khai từ sớm với kỳ vọng quả vải thiều được mùa, trúng giá.

Sẵn sàng cho mùa vải chính vụ

Mới đây (ngày 30/5), 100 tấn vải thiều chín sớm của tỉnh Bắc Giang đã được vận  chuyển đến các hệ thống bán lẻ trên toàn quốc, mở đầu cho mùa tiêu thụ vải năm nay của tỉnh này. Cùng ngày, gần 500 tấn vải chín sớm của huyện Tân Yên đã được các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ ngay tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều năm 2023 của tỉnh Bắc Giang.

Năm 2023, Bắc Giang duy trì hơn 29.000ha vải, với sản lượng khoảng 180.000 tấn. Ảnh minh họa
Năm 2023, Bắc Giang duy trì hơn 29.000ha vải, với sản lượng khoảng 180.000 tấn. Ảnh minh họa

Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết: Năm nay, Bắc Giang duy trì hơn 29.000ha vải, với sản lượng khoảng 180.000 tấn. Do đó, việc chủ động kết nối cung cầu là cách để quả vải có thể đi xa và nông dân có thu nhập ổn định.

Từ cuối tháng 4/2023, tỉnh đã xúc tiến tiêu thụ và đã ký kết gần 40 hợp đồng, biên bản ghi nhớ cho tiêu thụ vải thiều, với sản lượng hơn 110.000 tấn. Các huyện Tân Yên, Lục Ngạn cũng đã tổ chức các đoàn xúc tiến tại Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Đến nay đã có trên 200 thương nhân Trung Quốc đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam để đến Bắc Giang tham gia giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều. Thời gian thu hoạch vải thiều chín sớm sẽ kéo dài trong khoảng 20 ngày. Trà vải chính vụ sẽ được thu hoạch từ mùng 10/6 tới.

Riêng quả vải thiều, niên vụ năm 2023, Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 96.000 tấn vải thiều, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng 15,2% so với niên vụ 2022. Thị trường xuất khẩu chính của vải thiều Bắc Giang, gồm: Trung Quốc, EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Đông Nam Á, một số nước ở khu vực Trung Đông…

Thời điểm này, các cơ sở sơ chế, đóng gói, sản xuất hàng phụ trợ, thương mại dịch vụ phục vụ mùa vải trên địa bàn một số huyện của Bắc Giang, đặc biệt là huyện Lục Ngạn đang đẩy mạnh hoạt động. Một tin vui nữa đến với vựa vải của cả nước là Bắc Giang vừa được cấp thêm 12 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Australia và Thái Lan. Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 110 mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, 37 mã xuất khẩu sang Nhật Bản và 15 mã xuất khẩu sang Mỹ.

Từ giữa tháng 6, vải thiều Thanh Hà, Hải Dương sẽ bước vào thu hoạch chính vụ. Ảnh: Vĩnh Quân
Từ giữa tháng 6, vải thiều Thanh Hà, Hải Dương sẽ bước vào thu hoạch chính vụ. Ảnh: Vĩnh Quân

Tại tỉnh Hải Dương, từ cuối tháng 4/2023 đã tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà. Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, hiện nay, huyện Thanh Hà có 3.265ha vải, sản lượng đạt khoảng 40.000 tấn (vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 15.000 tấn).

Toàn bộ diện tích vải được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trong đó có khoảng 4.000 - 5.000 tấn đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Dự kiến, vào thời điểm giữa tháng 6/2023, Thanh Hà bước vào thụ hoạch cả 3 giống vải là U hồng, Tàu lai và vải thiều chính vụ.

Đáp ứng nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng

Đánh giá về những thuận lợi, khó khăn của thị trường xuất khẩu đối với quả vải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Niên vụ vải năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách “Zero Covid”, mở cửa trở lại, việc xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác cũng được Bộ Công Thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện.

 

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, vải là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với diện tích năm 2023 đang duy trì 58.800ha, chiếm gần 60% tổng diện tích cây ăn quả chủ lực toàn miền. Trong đó, chủ yếu là vải thiều với sản lượng ước đạt 330.000 tấn.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu, tiêu thụ vải năm nay cũng đối mặt nhiều khó khăn nhất định như: Nhu cầu xuất khẩu nhiều thị trường giảm mạnh, thị trường xuất khẩu nhiều biến động, quá trình vận chuyển đường dài nếu không có giải pháp bảo quản tốt, quả vải sẽ giảm chất lượng.

Với thị trường Trung Quốc, đại diện chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) Nguyễn Hữu Quân khuyến cáo, các doanh nghiệp, địa phương cần nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp tiếp thị sản phẩm.

Đặc biệt, các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tiếp với các thương vụ trên cơ sở nắm rõ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương. Đồng thời, có sự phối hợp hiệu quả với thương vụ trong quá trình kết nối doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài với doanh nghiệp xuất khẩu tại địa phương.

Nhận định Singapore là thị trường còn nhiều tiềm năng, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng: Quả vải Việt Nam có chất lượng và mẫu mã, đẹp, vỏ mỏng, ngọt hơn so với quả vải của các đối thủ khác, do vậy, quả vải tươi Việt Nam còn nhiều dư địa tại thị trường này.

Tuy nhiên, Singapore là thị trường khắt khe, Cơ quan quản lý thực phẩm của nước này đặt ra nhiều yêu cầu đối với trái cây tươi nhập khẩu. Cụ thể, theo Quy định kiểm soát thực vật, các loại trái cây tươi nhập khẩu vào Singapore phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất.

Đơn cử, đối với quả vải, hàm lượng tồn dư sulphur dioxide (khí thải công nghiệp) trong quả không quá 50ppm. Ngoài ra, nhãn mác của sản phẩm phải ghi chính xác và đầy đủ (bằng tiếng Anh) các tên và địa chỉ đầy đủ của nhà sản xuất; mô tả sản phẩm; ngày xuất khẩu/đóng gói.