Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” do Hội Nhà báo Việt Nam phát động nhằm nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí. Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi để khẳng định tính hiệu quả, thiết thực của phong trào này.
- Sau một năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, ông thấy đời sống báo chí có chuyển biến thế nào?
Có thể nói sau một năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, rộng rãi của giới báo chí trong cả nước, đáp ứng nhu cầu thiết thực trong đời sống báo chí nói chung và hoạt động tác nghiệp của những người làm báo nói riêng. Đã có nhiều cơ quan báo chí thực hiện ký giao ước thi đua để tham gia phong trào. Ngoài việc tổ chức ký kết, theo cảm nhận của tôi, phong trào này đã thực sự đi vào đời sống, hoạt động tác nghiệp của những người làm báo.
Hiện tượng những người làm báo có hành vi thiếu văn hóa trong hoạt động tác nghiệp của mình đã được khắc phục, hạn chế. Đặc biệt, hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều cơ quan báo chí đã mở thêm các chuyên mục, ấn phẩm về văn hóa…
“Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” là một phong trào do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phát động. Đây là một phong trào lớn của giới báo chí, thời gian triển khai mới có 1 năm nên các kết quả còn khiêm tốn. Cần phải nhấn mạnh rằng, đây là một phong trào dài hơi, không chỉ phát động trong thời gian ngắn, mà phải trở thành một nếp sinh hoạt thường xuyên, lâu dài đối với các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo có văn hóa. Làm sao để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí có phải là một trong nhữnghoạt động nhằm cụ thể hóa 10 quy định đạo đức nghề nghiệp Nhà báo, thưa ông?
Một trong những nội dung quan trọng nhất của phong trào là việc xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, tinh thần tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Đây cũng trở thành một nguyên tắc làm nghề cốt yếu của những người làm báo đã được quy định cụ thể trong 10 quy định đạo đức nghề nghiệp Nhà báo. Có những điều pháp luật không cấm nhưng đạo đức không cho phép và chính vì tinh thần làm nghề phải trên nền tảng đạo đức, làm cho nhà báo luôn luôn ý thức được một cách đầy đủ trách nhiệm của mình với xã hội, với đất nước.
Có thể nói, phong trào này được phát động với mục tiêu nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa bao trùm lên tất cả đời sống báo chí. Người làm báo với hoạt động tác nghiệp của mình có văn hóa thì mới có những tác phẩm báo chí có hàm lượng văn hóa cao.
- Theo ông, những thách thức, khó khăn lớn nhất của báo chí hiện nay là gì?
Báo chí hiện nay đang đứng trước một giai đoạn rất khó khăn khi gặp sự cạnh tranh rất lớn từ các loại hình thông tin mới như mạng xã hội và các hình thức thông tin khác. Cách tiếp cận thông tin của công chúng đã khác rất nhiều, đòi hỏi sự đầu tư của các cơ quan chủ quan đối với các cơ quan báo chí. Cần có một sự trang bị tốt hơn về nguồn lực, nhân lực, vật lực, tài lực, đặc biệt là các trang thiết bị và điều kiện làm việc của các cơ quan báo chí.
Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung đang gặp khó khăn, hoạt động kinh tế báo chí của các tòa soạn cũng cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Nhiều cơ quan báo chí đã bị sụt giảm các nguồn thu. Điều này tác động tiêu cực đến hoạt động báo chí và đời sống vật chất, tinh thần của những người làm báo. Tôi cho rằng, đây là trở ngại lớn nhất của đời sống báo chí hiện nay.
- Ông vừa nhắc tới việc đời sống vật chất, tinh thần của người làm báo gặp nhiều khó khăn. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi thiếu chuẩn mực của một số nhỏ người làm báo, ảnh hưởng đến uy tín của báo chí?
Tất nhiên chúng ta không thể lấy lý do đó để bao biện cho những hành vi lệch chuẩn. Những lúc khó khăn càng đòi hỏi bản lĩnh của những người làm báo để vượt qua. Như đã nói, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng những thách thức đối với hoạt động báo chí ngày càng gia tăng như sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội; dịch vụ quảng cáo, kinh tế báo chí gặp khó khăn; cơ chế về bộ máy, nguồn nhân lực báo chí còn gặp nhiều hạn chế. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hành vi thiếu chuẩn mực trong hoạt động báo chí của một bộ phận những người làm báo. Hệ quả của việc này là thái độ, cách nhìn nhận của xã hội đối với nhà báo đôi lúc, đôi chỗ bị sụt giảm, không còn được như trước. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của những người làm báo chân chính.
- Vậy theo ông, cần phải làm gì để khắc phục được tình trạng này, để xây dựng được đội ngũ những người làm báo được trong sạch, vững mạnh, được bạn đọc tin cậy hơn?
Trước hết cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức. Các nhà báo phải tuân thủ luật pháp, luật Báo chí, 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Cần nhấn mạnh rằng, nhà báo không thể “hai mặt”: Thể hiện quan điểm trên mặt báo “một đằng”, nhưng khi lên mạng xã hội lại có quan điểm “một nẻo”, thậm chí đi ngược lại với chủ trương của Đảng, Nhà nước, hoặc có tư tưởng phản động.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường công tác quản lý đối với đội ngũ phóng viên của mình. Gần đây có hiện tượng buông lỏng quản lý để các phóng viên tự tung tự tác, có hành vi vòi vĩnh doanh nghiệp…Đây là tình trạng phải được xử lý dứt điểm, để tránh ảnh hưởng đến vị thế, uy tín của người làm báo.
Điều quan trọng là mỗi người làm báo tự trau dồi bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp. Việc rèn luyện đối với một nhà báo là một quá trình liên tục, không ngừng nghỉ. Vì thế, tâm thế của người làm báo là vừa làm nghề vừa học, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân để luôn giữ tâm sáng và có những tác phẩm báo chí thật sự có giá trị, mang hàm lượng văn hóa cao đối với bạn đọc.
- Để phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” không chỉ mang tính chất hô hào, hình thức, mà có thể thực sự thấm sâu, lan tỏa trong hoạt động của các tòa soạn, cơ quan báo chí, thì theo ông, Hội Nhà báo Việt Nam cần phải làm gì?
Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và ban hành 12 Tiêu chí “cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam”; đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn cách thức triển khai phong trào này.
Tuy nhiên, việc quan trọng và cần thiết hơn chính là các cơ quan báo chí và mỗi người làm báo phải tự nguyện tham gia phong trào này một cách thiết thực và hiệu quả. Tuyệt đối tránh hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”, “phát” chứ không “động”, phải thực sự đòi hỏi tính tự giác cao của các cơ quan báo chí cũng như những người làm báo. Đặc biệt, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải nhận thấy đây là một nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng, xem việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện đúng yêu cầu của phong trào.
Môi trường văn hóa có vai trò quan trọng không chỉ đối với mỗi cơ quan báo chí mà còn thể hiện sự văn minh, tiến bộ của một thành phố, đất nước. Chính vì thế, từ cá nhân cho đến tập thể, nếu cùng đồng lòng thực hiện tốt phong trào sẽ góp phần cho tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
18:37 21/06/2023