Đề xuất 3 kịch bản phát triển hệ thống đô thị

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi  - Đến nay, đã có 50 văn bản từ các cấp, ngành phản hồi góp ý vào dự thảo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cần sự hỗ trợ quốc tế để đảm bảo chất lượng quy hoạch

Theo KTS Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng phụ trách của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP), ngày 15/12/2022, VIUP đã gửi Dự thảo quy hoạch lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương lần thứ nhất. Đến nay, đã có 50 văn bản tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch, 5 bộ chuyên ngành và Hội Kiến trúc sư Việt Nam gửi văn bản phản hồi góp ý.

Các ý kiến cơ bản nhất trí với Dự thảo báo cáo và cung cấp thông tin của địa phương để tư vấn cập nhật vào quy hoạch. Nội dung góp ý tập trung vào một số nhóm vấn đề như cơ sở số liệu hiện trạng để tính toán dự báo; tính phù hợp với các nghị quyết và Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua; tính phù hợp với các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh đang triển khai…

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đề xuất 3 kịch bản phát triển hệ thống đô thị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đề xuất 3 kịch bản phát triển hệ thống đô thị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong quá trình cập nhật thông tin phục vụ công tác đánh giá hiện trạng và Quy hoạch tỉnh, VIUP nhận thấy các số liệu dự báo như dân số, dân số đô thị và dự kiến nâng cấp mở rộng đô thị đến năm 2030 có chênh lệch so với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Việc này liên quan đến các chỉ tiêu khống chế trong Quy hoạch đô thị - nông thôn Quốc gia và công tác thẩm định các quy hoạch đô thị, nâng loại đô thị thuộc quản lý của ngành xây dựng.

Để có cơ sở định hướng Quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, VIUP muốn xin ý kiến chỉ đạo ở 3 nội dung. Một là khống chế chỉ tiêu dân số, dân số đô thị và tỷ lệ đô thị hoá. Hai là khống chế số lượng đô thị nâng loại. Ba là xác định hệ thống trung tâm đô thị.

Tổ công tác đã đề xuất kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm cần có sự phối hợp của Bộ Xây dựng để xin ý kiến Ban chỉ đạo. Đối với kế hoạch làm việc với các địa phương, VIUP đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng và đại diện các cục, vụ, viện làm việc cùng 6 vùng kinh tế - xã hội trong tháng 4 - 5/2023, nhất là những tỉnh có nhiều đô thị nâng loại và vượt quá khả năng nguồn lực đầu tư. Đại diện VIUP cũng bày tỏ cần sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế để đảm bảo chất lượng quy hoạch.

Cần nghiên cứu rõ hơn về quy hoạch nông thôn

Đóng góp ý kiến cho việc lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, nguyên Cục Phó Cục Phát triển đô thị Đỗ Tú Lan cho rằng cần xem xét lại tiêu chí phân loại, cần có phương pháp trình bày logic hơn và làm rõ nội dung quy hoạch nông thôn, mối liên kết giữa các đô thị.

TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng không thể khống chế số lượng các đô thị nâng loại vì đây là một quá trình tự nhiên. Ông cũng đề nghị tổng hợp cơ sở dữ liệu các quy hoạch ngành để xây dựng một báo cáo tóm tắt ngắn ngọn.

Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng Lê Văn Cư kiến nghị Tổ công tác lãm rõ vai trò của quy hoạch lần này, từ đó đưa ra công cụ quản lý rõ ràng; đánh giá quy hoạch hiện có những tồn tại, bất cập nào để làm cơ sở dự báo; xác định chức năng phù hợp với đô thị…

Đại diện Vụ Quy hoạch – Kiến trúc đề nghị bổ sung nội dung quy hoạch nông thôn. Cục Phát triển đô thị nêu vấn đề tổ chức sắp xếp các đơn vị hành chính đô thị, nông thôn và xin ý kiến về tiến độ hoàn thành dự thảo quy hoạch để gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vụ Kế hoạch – Tài chính thì khẳng định, đây là dự án đầu tư công nên sẽ quản lý theo các quy định về đầu tư công.

Để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn yêu cầu Tổ công tác tập trung làm rõ hơn đối tượng nghiên cứu của quy hoạch, bổ sung nội dung về quy hoạch nông thôn. Đồng thời, bổ sung căn cứ pháp lý và cơ sở lý luận của quy hoạch, hiện tại vẫn nghiêng nhiều về quy hoạch đô thị.

Rà soát lại phương pháp nghiên cứu để lập quy hoạch, phải nhận diện được các vấn đề còn tồn tại để sửa chữa và cần phát huy những điểm gì. Xem xét lại quan điểm phát triển đô thị và nông thôn. Cùng đó, rà soát mối liên hệ giữa quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Phân tích rõ hơn lợi ích và hạn chế của 3 kịch bản phát triển để chọn được kịch bản phù hợp nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần