Đề xuất bãi bỏ quy định cho phép tách thửa để phân lô bán nền

Doãn Thành (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều DN dựa vào quy định tách thửa để lợi dụng phân lô bán nền tràn lan, trái pháp luật, phá vỡ quy hoạch đô thị. Trên cơ sở đó, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ TN&MT bãi bỏ quy định cho phép tách thửa với từng loại đất.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch HoREA để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình trạng tách thửa và sử dụng đất nông nghiệp đã được nêu trong Luật Đất đai năm 2013?
- Khoản 2 Điều 143 Luật Đất đai 2013 về tách thửa “đất ở tại nông thôn” quy định: “Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương”.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu.
Khoản 4 Điều 144 của Luật Đất đai quy định về tách thửa “đất ở tại đô thị” như sau: “UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở”.
Từ trước năm 2017, đã có địa phương cho phép tách thửa đất nông nghiệp, mặc dù Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013 đều không quy định về tách thửa đất nông nghiệp hoặc tách thửa các loại đất khác không phải là đất ở.
Tại sao HoREA có đề xuất Chính phủ bãi bỏ quy định việc tách thửa?
- Tại Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 đã bổ sung Điều 43 vào Nghị định 43/2014/NĐ-CP lại quy định: UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Quy định này đã cho phép tách thửa đối với “từng loại đất”, có thể hiểu là cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp… có thể dẫn đến tình trạng các đầu nậu, doanh nghiệp “bất lương” lợi dụng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.
Nên bãi bỏ quy định được tách thửa để tránh trường hợp phân lô, bán nền tràn lan. (Ảnh: Doãn Thành).
Vì vậy, HoREA đề nghị Chính phủ xem xét, bãi bỏ Điều 43d vào Nghị định 43/2014/NĐ-CP, vì không phù hợp với Luật Đất đai, có thể dẫn đến hệ quả làm gia tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan, khó kiểm soát; Và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương chỉ được phép tách thửa đối với đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị theo quy định tại Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai 2013.
Vậy để giải quyết nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tách thửa đất ở cần phải làm gì?
- Để giải quyết nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở và tách thửa đất ở, đối với các thửa đất nông nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư hiện hữu, thuộc địa bàn các quận, phường, thị trấn, điểm dân cư nông thôn (trên hồ sơ địa bạ và “sổ đỏ” vẫn còn ghi nhận là đất nông nghiệp, nhưng trên thực tế, các thửa đất nông nghiệp này đã chuyển thành đất ở từ nhiều năm trước, không còn sản xuất nông nghiệp).
Nếu người sử dụng đất có nhu cầu, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương xem xét, thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở; đồng thời, xem xét, thực hiện thủ tục tách thửa đất ở theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Xin cảm ơn ông!