Đề xuất bán trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam: Cực đoan và thiếu căn cứ

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia giáo dục, luật sư, những thành tựu trong đào tạo của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã được khẳng định. Đề xuất bán trường này cho tư nhân là cực đoan, thiếu căn cứ pháp lý.

Không thể bán trường
Dư luận xã hội đang xôn xao khi trên tài khoản cá nhân của TS Nguyễn Đức Thành – chuyên gia tài chính cho rằng nên bán, chuyển đổi trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân, do nhiệm vụ trường chuyên này đã “hết thời”. Đề xuất này đã tạo ra những luồng trái chiều. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị sáng 24/6, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới cho biết, đề xuất bán, chuyển đổi trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân là hơi cực đoan.
GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích, cả chặng đường từ khi hình thành đến nay, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã đào tạo thành công nhiều nhân tài, phục vụ cho lợi ích của quốc gia. Thứ nữa, trong tình huống Nhà nước không thể chu cấp hay đầu tư ngân sách để duy trì, phát triển mới xem xét bán trường hay không.
 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Công Hùng
Theo GS Thuyết, nếu ai đó nói trường chuyên, lớp chọn là định hướng đào tạo dễ đẫn đến “học lệch” hay thiếu đầy đủ thì cũng có lý lẽ riêng, bởi sẽ tạo ra các đỉnh cao cần thiết để phục vụ khoa học, phụng sự lợi ích vượt khỏi mong muốn một cá nhân nào đó. “Chuyển đổi mô hình trường chuyên thành trường chất lượng cao cũng là một hướng đi có thể xem xét, phục vụ đào tạo toàn diện” – GS.TS Nguyễn Minh Thuyết giả định.
Thiếu căn cứ pháp lý
Trao đổi về đề xuất bán trường của TS Nguyễn Đức Thành, luật sư Vi Văn A – Trưởng văn phòng luật sư số 7, TP Hà Nội cho là thiếu căn cứ pháp lý, đặc biệt là không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020). Tại Điều 62, Luật Giáo dục 2019, Nhà nước sẽ ưu tiên bố trí giáo viên và ngân sách cho trường chuyên.
Điều 47 quy định: Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu. Việc chuyển đổi loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện trên nguyên tắc từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
“Theo tôi được biết, năm 2005, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dành quỹ đất 5ha ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính để xây mới trường, với mức đầu tư khoảng 469 tỷ đồng. Chiểu theo Luật Giáo dục, trường công lập không được phép chuyển đổi cũng như nguyên tắc chuyển đổi không làm thất thoát đất đai thì đề xuất của TS Nguyễn Đức Thành là không có căn cứ” – luật sư Vi Văn A phân tích.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Lan Anh – Hiệu trưởng trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội bày tỏ: Nếu nói trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam là trường của con nhà giàu và những gia đình nghèo, có con học kém đóng tiền thuế cho các gia đình có con trường Amsterdam là rất phản cảm, thiếu tính xác thực. Nhà nước đang cổ vũ và luật hóa cơ chế tự chủ trong giáo dục. Việc Ban lãnh đạo nhà trường “siết” đầu vào bởi những yêu cầu về điểm số hay các chỉ số phụ (có giải các kỳ thi) cũng là hợp lý.
“Đó là sự tự chủ, tự nguyện trong mưu cầu giáo dục. Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam vẫn là nơi đào tạo của cả con em những gia đình có điều kiện và gia đình khó khăn về tài chính, miễn sao bảo đảm học lực thành tích cao và năng khiếu” – bà Lan Anh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, GS Vũ Hà Văn đưa ra lập luận: "Giá trị cốt lõi hay tài sản chính của trường Amsterdam hay nhiều trường điểm nói chung là danh tiếng của nó được tạo dựng bởi sự phấn đấu của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh trong thời gian dài”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần