Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất bổ sung chế độ cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Tờ trình Chính phủ Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và các chế độ BHTN cho người lao động.

Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN. Trong giai đoạn 2015 – 2023, số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân tăng khoảng trên 6%/năm. Đến năm 2023, số người tham gia BHTN chiếm 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN là một thách thức lớn.

Bộ LĐTB&XH đề xuất mở rộng đối tượng và các chế độ cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ LĐTB&XH đề xuất mở rộng đối tượng và các chế độ cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Luật Việc làm hiện nay, đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia BHTN. Mặc khác, Luật Việc làm cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian và một số đối tượng có hưởng lương khác chưa thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Do đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm có: người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất sửa đổi các chế độ BHTN, bao gồm chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định các trường hợp người sử dụng lao động được hỗ trợ: lý do kinh tế theo quy định tại Bộ luật Lao động; thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh; phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định của Bộ luật Lao động. Quy định điều kiện hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi dễ tiếp cận chính sách.

 Đồng thời, Bộ LĐTB&XH kiến nghị sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, theo hướng: mở động phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.