Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ: Không thể đánh đổi văn hóa lấy giản tiện!

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến tiếng Việt từ 38 chữ giảm còn 31 để loại bỏ hầu hết thiếu sót và bất cập, một số chuyên gia hoan nghênh tinh thần nghiên cứu của ông nhưng nếu để nó lan tỏa vào đời sống sẽ rất nguy hiểm.

Không thể rút ngắn chữ tiếng Việt 
Theo quan điểm của GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam, ngôn ngữ của một dân tộc không nhằm mục đích tiết kiệm. Vì thế chữ viết chẳng cần giản tiện theo như đề xuất của PGS Bùi Hiền. Nhất là khi cuộc sống, tư tưởng và tình cảm phong phú thì chữ viết cũng phải phong phú để đáp ứng được yêu cầu đó. “Chúng ta lo lắng chữ viết không phản ánh hết được cái phong phú ấy chứ không phải rút ngắn lại cho dễ dùng” - GS Dong nhấn mạnh.
GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam
GS Dong hoan nghênh tinh thần cải tiến của ông Bùi Hiền. Tuy nhiên, hiện nay khi tiếng Việt đã được chính thức hóa trở thành chữ quốc ngữ thì việc cải tiến không đơn giản. Bởi trước hết, nó đã trở thành văn hóa và có đủ lý do để tồn tại. Theo GS Dong, chữ viết là thứ ngôn ngữ diễn đạt một cách đầy đủ, rõ ràng tất cả những tư tưởng, tình cảm trên giấy.

Với đề xuất cải tiến chữ tiếng Việt của ông Bùi Hiền, GS Dong cho rằng, mọi người cứ bàn luận nhưng không dễ đi đến thống nhất. Bởi đây là chuyện lớn, phải có hội đồng khoa học thẩm định và Chính phủ đưa ra Quốc hội để các đại biểu biểu quyết. Nếu cải tiến bộ chữ viết như ông Hiền đề xuất, các văn kiện phải dịch lại sẽ tốn kém rất nhiều. Không những thế, việc giáo dục cho mọi người vô cùng rắc rối. Nhất là khi ngành giáo dục đang có bao nhiêu việc cần phải bàn và thực hiện như học phí, thi cử, chương trình phổ thông tổng thể...
Sáng kiến của PGS Bùi Hiền chỉ để cho vui!

Với người Việt Nam, từ lâu chữ tiếng Việt đã trở thành bản ngữ. Vì thế, PGS.TS Lê Kim Long - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Chúng ta không nên vì thấy người nước ngoài khó học tiếng Việt mà đơn giản hóa chữ quốc ngữ. Khi tiếng nước ngoài được du nhập vào trong nước, chúng ta phải Việt hóa, để chữ quốc ngữ ngày càng phong phú hơn. Đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS Bùi Hiền giống như ngôn ngữ của trẻ con dùng để nhắn tin cho nhau, mình đọc không hiểu”.

PGS Kim Long đánh giá cao công trình nghiên cứu của PGS Bùi Hiền. Ông đã dành cả đời cho việc cải tiến chữ tiếng Việt để mong muốn nó tốt hơn. Cũng như có bộ chữ thuận tiện và đơn giản để người đọc dễ hiểu, người nước ngoài dễ học tiếng Việt. Thế nhưng, PGS Long đã gặp nhiều người nước ngoài theo học tiếng Việt ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội và sử dụng rất thành thạo. Thậm chí, họ đã trở thành nhà Việt Nam học, cớ gì chúng ta không cần phải đơn giản hóa tiếng Việt?

“Chúng ta đã giáo dục và dạy cho con trẻ trò chơi con số, cũng nên có trò chơi con chữ để các em biết được cái hay cũng như cách dùng chữ quốc ngữ. Theo quan điểm của tôi, trong xã hội hiện đại và hội nhập, tiếng Việt cần được làm phong phú hơn. Tôi nghĩ cải tiến chữ tiếng Việt của ông Hiền cho vui thôi, nếu để lan tỏa thì rất nguy hiểm” - PGS Kim Long nhấn mạnh.
Viết đúng chữ theo hệ thống “mới” - điều không tưởng

“Giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…” mà PGS Bùi Hiền đưa ra để biện minh cho việc cải tiến chữ quốc ngữ. Nhưng, theo PGS.TS Hoàng Dũng - Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, dễ nhớ nhất là một hệ thống đã quen dùng. Bởi lẽ đơn giản là người ta không cần nhớ đến hệ thống “mới”. Còn đưa vào hệ thống mới, trừ những ai chưa được học chữ quốc ngữ, tất cả những người còn lại phải xóa sạch ký ức về hệ chữ “cũ” mới mong không có xung đột trong trí óc giữa hai hệ thống.

PGS Hoàng Dũng nhận định: “Viết đúng theo quy định của hệ thống “mới” - đó là một điều không tưởng. Nếu không tẩy não thì sử dụng hệ chữ mới sẽ rối rắm hơn, sai sót nhiều và mất thì giờ”.

Tác giả Bùi Hiền muốn tiết kiệm vật tư? PGS Hoàng Dũng cho rằng, chỉ cần thay đổi cỡ chữ một chút còn tiết kiệm giấy in nhiều hơn. Đó là chưa kể, để tránh được phần nào sự đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ thì phải tốn một khoản tiền khổng lồ để chuyển kho tư liệu vốn được viết theo cách viết “cũ” sang cách viết “mới”.

Theo PGS Hoàng Dũng, chữ quốc ngữ đầy “khuyết điểm”, điều đó không phải bây giờ nhờ ông Bùi Hiền người ta mới biết. Năm 1902 chính người Pháp đã thành lập một ủy ban và tổ chức cả một hội nghị suốt 3 ngày để nghiên cứu cải tiến.

Trong suốt hơn 100 năm, có bao nhiêu ủy ban, hội nghị, đề xuất của cá nhân và tổ chức nhưng nhìn chung đều bất lực: Chữ quốc ngữ vẫn không thay đổi gì. Vì cái giá để thay đổi lớn quá, cả về kinh tế, xã hội lẫn văn hóa.