Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về quy định chung đối với đường cao tốc, với ý kiến đề nghị quy định đường cao tốc tối thiểu phải có 4 làn đường và làn dừng khẩn cấp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh thấy rằng, ý kiến nêu trên là xác đáng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc còn phụ thuộc khả năng cân đối ngân sách và huy động nguồn lực. Mặt khác, đây là vấn đề thuộc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sẽ được Bộ GTVT nghiên cứu, quy định chi tiết.
“Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị không quy định cụ thể những nội dung này trong Dự thảo Luật”- Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nói.
Trước ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết quy định thu phí sử dụng tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh thấy rằng, các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn cao tốc hoặc quốc lộ. Người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn nhưng hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với nội dung này trong dự thảo Chính phủ trình và đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Phí và lệ phí như quy định tại dự thảo Luật.
Về quy định giao UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ, đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề xuất quy định cho phép Bộ GTVT phân cấp cho UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ. Đồng thời bổ sung quy định sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công của dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, phương án này vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay, vừa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tương tự, đối với đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng đề nghị sửa như Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát, làm rõ các quy định về trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đường bộ và trách nhiệm đầu tư xây dựng đường cao tốc, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, trong thời gian sắp tới, Chính phủ sẽ trình đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để bảo đảm các điều kiện ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo.
“Vừa qua, chúng ta đã phối hợp các nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để xây dựng các quốc lộ trên địa bàn các tỉnh. Thực tiễn này xuất phát từ nguyên nhân những năm qua, các địa phương thu ngân sách cao, có điều kiện tốt, nên Quốc hội đã thống nhất chủ trương sử dụng phần ngân sách của các tỉnh để tham gia cùng ngân sách Trung ương, thực hiện việc xây dựng một số quốc lộ. Tuy nhiên, về lâu dài, ngân sách của Trung ương cơ bản giữ vai trò chủ đạo”- Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nói.
Cùng thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, ngân sách quốc gia phải tập trung các nguồn lực ngắn hạn và dài hạn để đầu tư các quốc lộ bảo đảm đúng tiêu chuẩn, an toàn và kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển. Các địa phương nên tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, đường huyện, còn trách nhiệm của Trung ương là đầu tư các tuyến quốc lộ để tạo sự kết nối liên thông.
“Một số địa phương tham gia đầu tư quốc lộ có thể xem xét như trường hợp đặc thù… Vì vậy, không nên luật hóa vào trong Luật Đường bộ, nhưng có thể phân cấp để địa phương tham gia quá trình đầu tư, giải phóng mặt bằng; nếu đủ điều kiện có thể làm chủ đầu tư cao tốc, nhưng đây vẫn chủ yếu là trách nhiệm của ngân sách quốc gia”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý vào dự thảo Luật. Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ, phối hợp với các cơ quan để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan thẩm tra căn cứ vào các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tránh chồng chéo về nội dung, bảo đảm tính khả thi của luật khi được ban hành. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước; đánh giá kỹ tác động của các quy định mới, đảm bảo đạt được mục đích xây dựng luật; làm rõ các nội dung đề nghị sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan…