Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026: Tinh và gọn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý tưởng về đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ rút gọn số bộ, cơ quan ngang bộ từ 22 xuống còn 20 được đưa ra tại hội thảo góp ý 'Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026' do Bộ Nội vụ tổ chức đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Dù chưa phải là đề xuất mang tính chính thức, nhưng cũng rất đáng suy ngẫm khi việc tinh gọn bộ máy để phù hợp thực tiễn, nâng cao hiệu quả hoạt động đang được đẩy mạnh.

Đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026: Tinh và gọn - Ảnh 1

Hội thảo do Bộ Nội vụ tổ chức chiều 19/2

Như nhiều ý kiến chỉ ra, thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn là một trong những điểm nhấn nổi bật với những kết quả tích cực. Nhiều bộ ngành, địa phương đã thực hiện tinh gọn đầu mối, giảm một loạt lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó và tinh giản hàng nghìn biên chế. Và đây là cách làm có nhiều mặt tích cực trong việc giảm bớt sự cồng kềnh, nặng nề trong bộ máy, xác định lại chức năng, nhiệm vụ đúng với tính chất hoạt động của bộ máy Nhà nước. Từ việc sắp xếp lại bộ máy sẽ giảm được cán bộ, giảm trụ sở, tiền lương… giảm được chi phí mà đồng tiền thuế của dân phải bỏ ra cho bộ máy Nhà nước.
Sau những kết quả đó, việc nghiên cứu để cắt giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ xuống mức phù hợp thông qua việc tái cơ cấu lại các bộ, cơ quan ngang bộ, sáp nhập các bộ có nhiệm vụ, chức năng tương đồng để vừa giảm số lượng, vừa khắc phục tình trạng bỏ sót hoặc trùng lấn nhiệm vụ, chức năng giữa một số bộ, đúng theo nguyên tắc: Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực cũng là vấn đề đã hơn một số lần được đặt ra. Để qua đó, đáp ứng yêu cầu bộ máy tinh gọn, phù hợp với Chính phủ kiến tạo, hành động, tăng khả năng điều hành nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, bộ máy công vụ đã nhiều lần tách, nhập để phục vụ cho công tác chuyên môn ở những điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, việc sắp xếp lại một số bộ, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với nhau là một trong những giải pháp mạnh mẽ, là quyết tâm lớn để thực hiện việc tinh giản bộ máy, thu gọn đầu mối. Việc sáp nhập này không phải là phép cộng cơ học mà phải được tính toán rất cụ thể. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu lại chức năng điều hành, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước cho phù hợp với điều kiện, cơ chế thị trường hiện nay.
Có thể khẳng định rằng, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được nêu ra tại các Nghị quyết T.Ư là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri. Những quyết tâm lớn với lộ trình gọn nhẹ bộ máy, tinh về chất lượng đã được nêu ra nên các ý tưởng đề xuất theo hướng này là cần thiết. Nhưng việc tổ chức thực hiện cần tính đến sự đồng bộ, thống nhất, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu kỹ, thận trọng, phải dựa trên cơ sở khoa học, có luận cứ, đảm bảo tính bền vững, để tránh tình trạng "nay nhập, mai tách". Đồng thời, không chỉ ở cấp bộ, để thực sự tạo ra những “cú hích” trong tinh gọn đầu mối, bộ máy ở các cấp. Chính vì thế, sau những giải pháp cần phải có sự quyết liệt vào cuộc đồng bộ và thực chất, vượt qua rào cản, cũng là khắc phục khuyết điểm hiện nay là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, vì lợi ích riêng của ngành, địa phương.