Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản: Xem xét tính khả thi

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, các quy định về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập là những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm cũng như còn nhiều quan điểm khác nhau quanh Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

 Ảnh minh họa
Cần bước đột phá
Liên quan đến quy định về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa hiệu quả là thiếu bộ máy quản lý bản kê khai và sử dụng các thông tin, dữ liệu có được nhằm kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Vì vậy, việc quy định về hệ thống các cơ quan, đơn vị chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập dựa trên quản lý tài sản, thu nhập là rất cần thiết.
Dự Luật giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên ở cả T.Ư và địa phương; thanh tra bộ, ngành, thanh tra cấp tỉnh hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư nơi không có cơ quan thanh tra (gọi chung là cơ quan thanh tra) kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng còn lại.

Nhiều ý kiến tán thành với quy định này và cho rằng cơ quan thanh tra có điều kiện tốt hơn về cơ sở vật chất, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong xác minh tài sản, thu nhập. Đồng thời đây cũng là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, Chính phủ cần nêu rõ hơn tính khả thi khi giao thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập cho cơ quan thanh tra, bảo đảm việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cơ quan này không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước…

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, kiểm soát tài sản bao gồm nhiều công việc từ kê khai, xác minh, xử lý, theo dõi… Ở nhiều nước trên thế giới, việc này giao cho kiểm toán và cơ quan thuế thực hiện. Cần có bước đột phá trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập và nên giao cho cơ quan chuyên trách thực hiện công việc này theo trình tự tố tụng minh bạch.

Lo ngại sự quá tải

Tuy nhiên, các ý kiến khác lại cho rằng, nên giao cho các cơ quan T.Ư của các cơ quan, tổ chức này thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo hệ thống dọc để tránh quá tải đối với hoạt động của cơ quan thanh tra. Đồng thời không làm ảnh hưởng đến tính khách quan trong thực hiện nhiệm vụ các cơ quan lập pháp và tư pháp.

Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, cơ quan quản lý kiểm soát tài sản nên được phân chia, không nên tập trung vào một đầu mối để tránh quá tải. Tùy đối tượng cán bộ, công chức mà giao cơ quan quản lý kê khai tài sản, thu nhập phù hợp. Trong trường hợp cần có một cơ quan quản lý tập trung thì nên giao cho Kiểm toán Nhà nước – cơ quan do Quốc hội thành lập, có đủ chức năng nhiệm vụ và trình độ, kỹ năng trong quản lý, xác minh.

Trước một số ý kiến lo ngại về liệu có tăng biên chế vì đối tượng kê khai là không nhỏ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: Theo tính toán, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập khoảng 6.000 đối tượng, các cơ quan thanh tra cấp tỉnh kiểm soát trên dưới 2.000 người, riêng các địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khoảng 10.000 đối tượng. Nếu Dự Luật được thông qua và Quốc hội ra Nghị quyết kèm theo để tổ chức thi hành luật thì ngành thanh tra sẽ đề xuất chuyển phần lớn lực lượng để làm việc này. Dự kiến, hơn 1/3 công suất của Thanh tra Chính phủ sẽ dành cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, tạo ra sự biến đổi trong tổ chức hoạt động của toàn lực lượng. Như vậy, cả nước có 85 cơ quan, 21 bộ, ngành, 63 tỉnh và Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập.