Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất công bố dịch sởi tại TP Hồ Chí Minh

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh năm học mới đang cận kề, các giải pháp phòng ngừa bệnh sởi bùng phát là rất cấp bách. Do vậy, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị UBND TP công bố dịch sởi.

Trong thời gian vừa qua, số ca bệnh sởi, đặc biệt là trẻ em nhập viện tại các cơ sở y tế ở TP Hồ Chí Minh không ngừng gia tăng, đặc biệt là thời gian cận kề năm học 2024 - 2025. Từ đó nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng rất lớn.

Vì vậy, Sở Y tế đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh hiện đang điều trị 14 ca mắc sởi, đa phần là trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho 18 ca sởi người lớn và 30 ca sởi trẻ em.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh 
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh 

Theo các bác sỹ, hệ số lây lan của sởi là từ 12-18, nghĩa là một người bị bệnh sởi có thể lây cho 12-18 người.

Do đó, với những trẻ chưa được tiêm vaccine sởi nguy cơ bị lây bệnh lên đến 90% nếu có tiếp xúc với người mắc bệnh sởi trước đó. Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thấp cũng là nguyên nhân khiến bệnh sởi lây lan nhanh trong cộng đồng thời gian qua.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế ở TP là 597 ca. Trong đó, có 346 ca dương tính với sởi, bao gồm 153 trẻ cư trú tại TP Hồ Chí Minh và 193 trẻ cư trú từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến.

Đề xuất công bố dịch sởi tại TP Hồ Chí Minh
Đề xuất công bố dịch sởi tại TP Hồ Chí Minh

Theo công bố của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 15/8, khu vực phía Nam ghi nhận gần 1.500 trường hợp phát ban nghi sởi. Trong số này, số ca được lấy mẫu chiếm 70%, tỷ lệ dương tính với sởi trên 60%.

Các chuyên gia dự báo, tình hình diễn tiến của sởi ở các địa phương khu vực phía Nam sẽ tiếp tục tăng thời gian tới.

Đặc biệt, tại các bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, đều mắc các bệnh lý mạn tính khác. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá ở khu vực phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang là những địa phương có nguy cơ bùng phát dịch sởi rất cao.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đã có công văn đề nghị, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi, bao gồm cả tiêm chủng. Đồng thời, cần chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt thu dung, điều trị người bệnh sởi kịp thời, hạn chế tối đa trường hợp chuyển nặng, tử vong.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đơn vị đã trình UBND TP Hồ Chí Minh, kiến nghị công bố dịch sởi, đồng thời triển khai kế hoạch ứng phó.

Trong khi chờ UBND TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch, ngành Y tế chủ động triển khai ngay các giải pháp hạn chế sự bùng phát rộng của dịch.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế cũng giao Thanh tra Sở chủ động phát hiện các nhóm "anti vaccine," làm rõ, xử lý nghiêm việc tuyên truyền sai lệch về vaccine và thông tin dịch bệnh trong cộng đồng.

Triển khai giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ, đó là nhóm trẻ có bệnh lý tim mạch, phổi, thận chưa được tiêm chủng; nhóm trẻ bị các bệnh có suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính. Đây là những trường hợp có nguy cơ biến chứng nặng, tử vong khi nhiễm sởi.

Các cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ nghiêm kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện. Đồng thời, tích cực triển khai khám sàng lọc, phân luồng cách ly trường hợp sốt phát ban nghi sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo cho người bệnh khác.