Đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Gây khó cho người nghèo

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chất lượng dự thảo thấp” là câu trả lời ngắn gọn của các chuyên gia khi được hỏi về đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng từ Bộ Tài chính. “Thu thuế tài sản là xu thế tất yếu nhưng phải có lộ trình. Cơ quan Nhà nước muốn bảo vệ nguồn thu ngân sách nhưng cần nhìn vào số đông người dân còn khó khăn. Mức sàn 700 triệu đồng và thuế suất cào bằng 0,4% chẳng khác nào “lùa tất cả cá vô một lưới” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phản biện.

 Khách hàng tìm chọn mua nhà trong Hội chợ bất động sản diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Vòng luẩn quẩn trả… nợ
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính phát đi những đề xuất gây tranh cãi. Song, phần lớn người dân vẫn không tránh được tâm lý hoang mang. Cụ thể, liên quan đến thuế tài sản, Bộ Tài chính nghiêng về phương án chọn mức sàn đánh thuế là 700 triệu đồng, còn thuế suất ở mức trần, tức 0,4%. Ví dụ, căn nhà có giá 2,7 tỷ đồng, số tiền phải đóng (2,7 tỷ đồng – 700 triệu đồng) x 0,4% = 8 triệu đồng). Phần thuế vượt mức sàn “không ăn thua” với thiểu số nhóm giàu nhưng là “gánh nặng” của số đông người thu nhập thấp.

Chị Trần Hồng Loan, cư dân nhà ở xã hội Ecohome 1 – Bắc Từ Liêm) thở dài: “Vợ chồng tôi mua căn hộ này gần 1 tỷ đồng. Thời điểm năm 2015, do không đủ khả năng chi trả cùng một lúc, gia đình lựa chọn hình thức vay ngân hàng đến 70% trong gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Sau 3 năm quần quật làm việc, chúng tôi vừa “thở phào” vì trả xong tiền nhà. Nay nghe thông tin nhà trên 700 triệu đồng bị đánh thuế như “sét đánh ngang tai”. Nợ nhà trả xong giờ thêm “nợ thuế”, vòng luẩn quẩn không biết khi nào mới hết lo”.

Dạo qua các trang mạng xã hội, câu chuyện của những cư dân thuộc dự án The Vesta – Hà Đông mấy ngày nay cũng chỉ xoay quanh việc đánh thuế nhà. Đơn cử, căn hộ ngót nghét trên dưới 1 tỷ đồng phải đóng thuế bao nhiêu? Phân bổ chi tiêu thế nào để đóng? Tiền vay ngân hàng chưa trả hết nay “nợ đè nợ” xoay xở làm sao? Hầu hết đều chung cảm giác Bộ Tài chính đang tận thu từ thuế hơn nuôi dưỡng nguồn thu.

GS.TS Đặng Hùng Võ thẳng thắn, trường hợp áp dụng việc thu thuế nhà theo dự kiến trên, chính sách hỗ trợ mua nhà cho người thu nhập thấp không còn ý nghĩa. Nghịch lý chắc chắn phát sinh. Một mặt, Nhà nước mở gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng (lãi suất 5%) để giúp lao động nghèo mua nhà. Mặt khác, Bộ Tài chính lại đề xuất “đánh thuế”. Như vậy chẳng khác nào, chúng ta “cho” họ tiền mua nhà và giờ “đòi” lại số tiền đó. Giấc mơ an cư vì thế trở nên quá xa vời với hàng triệu người lao động.
 Chung cư cao tầng trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Ảnh Phạm Hùng
Mức sàn phải nâng lên

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởngViện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích, thuế tài sản là một dạng thuế quan trọng nhưng còn mới ở Việt Nam. Vì lẽ đó, mức đánh thuế cần dựa trên nghiên cứu, phân phối tài sản hiện nay của số đông người dân. Trên cơ sở đó tìm ra giá trị, mức thuế suất khác nhau. Loanh quanh thu thuế nhà với mức giá trên dưới 1 tỷ đồng sẽ khiến hầu hết người dân bị đánh thuế. Dư luận bức xúc là đương nhiên. Ví dụ như thuế thu nhập cá nhân, nếu ngay lúc đầu chúng ta đề xuất mức thu nhập 1 triệu đồng bị thu thuế, ai chấp nhận nổi?

“Ở các nước phát triển, mục tiêu thuế tài sản chủ yếu tập trung vào những tài sản lớn như các toà cao ốc khổng lồ mới thu về được những khoản tiền lớn cho TP vận hành. Thậm chí, có những nước chưa đánh thuế vào nhà ở vội mà đánh vào nhà thương mại trước. Nhóm soạn thảo cần nghiên cứu lại để có cách truyền thông đúng, trúng và đủ” - TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Nghiêm trọng hơn, nhiều DN còn cảnh báo vấn nạn trốn thuế, “chạy” giá trị nhà. Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc lấy ví dụ 2 cá nhân mua bán một căn nhà có giá 10 tỷ đồng. Để trốn thuế, người mua và người bán sẽ thỏa thuận để ra công chứng với giá thấp hơn. Tôi bán cho anh 10 tỷ đồng nhưng hợp đồng ghi 2 tỷ đồng. Tại sao không khi đôi bên đều có lợi? Người mua giảm được thuế tài sản, người bán bớt được thuế thu nhập.

PGS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản trong đó có BĐS đứng về mặt nguyên lý là phù hợp, nên tính đến. Tuy nhiên, mức khởi điểm Bộ đề xuất phải xem xét lại. Bởi, cách thu này làm cho phần lớn người đang sở hữu nhà rơi vào đối tượng phải nộp thuế.
Trong khi họ không phải là đầu cơ, người chiếm hữu quá nhiều tài sản của xã hội. Do vậy, việc áp mức thuế phải bắt đầu từ mức có hành vi “sử dụng vượt trên mức bình quân chung của xã hội”. Nếu chúng ta khó xác định được mức này, việc xác định khởi điểm bắt đầu phải ở mức thuế không đáng kể. Mục đích thể hiện thái độ trách nhiệm đối với tài sản đó chứ không phải ở ngưỡng tạo ra áp lực cho số đông người dân đang sở hữu tài sản thông thường.
Lý thuyết kinh tế (quy luật của đường cong Lapffer) cho thấy chỉ khi có những mức thuế suất thấp nhất, nền kinh tế mới thu được nhiều thuế nhất, khuyến khích được mọi người hăng hái đầu tư. Đó là chính sách nuôi dưỡng nguồn thu và khoan sức dân. Bộ Tài chính phải có tầm nhìn dài hạn và đặt trong bối cảnh người lao động, người làm công ăn lương còn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư
Giải thích của Bộ Tài chính về việc đánh thuế đối với nhà ở và đất đai nhằm gia tăng công bằng xã hội là không hợp lý. Một căn nhà 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng rất khó khăn với một người dân bình thường. Thực tế, đánh thuế này chỉ tăng nguồn thu chứ không có tác dụng giảm sự phân hóa giàu nghèo hay cải thiện an sinh xã hội. Bởi, như vậy đã đánh cả vào người có thu nhập thấp và trung bình chứ không phải chỉ đánh thuế với người giàu.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLAW