Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất đầu tư hơn 850 triệu USD xây cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ

LINH DƯƠNG/giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu vực Cần Giờ có vị trí tại đầu tuyến luồng hàng hải Cái Mép-Thị Vải với độ sâu lớn, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện sóng, gió, nằm trong khu vực có hoạt động hàng hải sôi động, gần tuyến hàng hải quốc tế.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và UBND TP Hồ Chí Minh ủng hộ chủ trương cho Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (đơn vị thành viên của VIMC) hợp tác với hãng tàu Mediterranean Shipping Company (MSC) thực hiện Dự án đầu tư, khai thác cảng trung chuyển container quốc tế tại Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, năm 2021, sản lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển của cả nước đạt khoảng 23,9 triệu Teus (1 Teus tương đương 1 container 20 feet), chủ yếu tại cảng biển TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Hải Phòng, trong đó chủ yếu là hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa. Tỷ trọng hàng trung chuyển quốc tế còn khá thấp.

Theo đánh giá của VIMC, khu vực Cần Giờ có vị trí tại đầu tuyến luồng hàng hải Cái Mép-Thị Vải với độ sâu lớn, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện sóng, gió, nằm trong khu vực có hoạt động hàng hải sôi động, gần tuyến hàng hải quốc tế. Đây là điều kiện quan trọng để hình thành hệ thống cảng và phát triển dịch vụ trung chuyển container quốc tế.

Hiện nay, Cảng Sài Gòn và hãng tàu MSC đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất phát triển cảng trung chuyển container quốc tế tại khu vực Cần Giờ có khả năng tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000DWT, tổng chiều dài cầu bến chính khoảng 6,8km, nhu cầu sử dụng đất khoảng 570ha. Dự án có công suất thiết kế 15 triệu Teus với tổng mức đầu tư hơn 850 triệu USD.

Để tận dụng cơ hội hợp tác, thu hút nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực hàng đầu thế giới, VIMC đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 4, Điều 22 Luật Đấu thầu hoặc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26, Luật Đấu thầu, đồng thời giao UBND TP Hồ Chí Minh lập hồ sơ đề xuất áp dụng phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài các đề xuất nói trên, VIMC kiến nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền cập nhật, bổ sung dự án vào các quy hoạch, trong đó có Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo dự án triển khai phù hợp với các quy hoạch có liên quan.

Ngoài ra, xem xét, sửa đổi Nghị định 86/2020/NĐ-CP (Nghị đinh 86/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển), theo đó hoạt động mua tàu biển được thực hiện tương tự các quy định tại Khoản 1, Điều 22, Nghị định 171/2016/NĐ-CP trước đây.

Trước đó, vào tháng 11/2021, VIMC và MSC đã tham gia buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với một số tập đoàn hàng đầu của Pháp và châu Âu. Tổ hợp các nhà đầu tư đã báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực Cần Giờ.