Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất đẩy mạnh tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trên cả nước

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố Hà Nội vừa sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tích cực thực hiện truyền thông chính sách lớn tác động đến nhân dân

Qua 1 năm thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg, các đơn vị thuộc thành phố Hà Nội đã chủ động lựa chọn những văn bản pháp luật có tác động lớn, được dư luận quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền trên Cổng/Trang thông tin điện tử của đơn vị. Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí ở trung ương, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp với đối tượng và địa bàn theo quy định.

Từ ngày 1/9/2022 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành 156 công văn (97 công văn đề nghị các cơ quan báo chí, 59 công văn chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở) tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Nhiều dự thảo chính sách có tác động lớn tới xã hội được Thành phố tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố như quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; quy định về diện tích nhà ở tối thiếu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ...

Đối với những vấn đề, chính sách được dư luận và báo chí quan tâm, Sở Thông tin và Truyền thông đã kịp thời phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đảm bảo tính công khai, minh bạch, giúp báo chí phản ánh, thông tin trung thực, đầy đủ, kịp thời và tạo đồng thuận của người dân trong quá trình thực thi chính sách (các nội dung về Quy hoạch Thủ đô, Dự án Vành đai 4 -Vùng Thủ đô; các vấn đề về điều chỉnh giá nước sinh hoạt, học phí...).

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn Thành phố (UBND các quận, huyện, thị xã: Tây Hồ, Thanh Xuân, Gia Lâm, Hoài Đức, Sơn Tây, Phú Xuyên...) tổ chức nhiều lớp tập huấn về quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí với hơn 700 học viên là cán bộ các phường, xã... tham dự.

Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã cũng xác định vai trò, trách nhiệm truyền thông dự thảo chính sách khi là đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú như tổ chức hội nghị, diễn dàn, đối thoại trực tiếp, lồng ghép trong hoạt động giao ban, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội…

Trang thông tin Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố mở chuyên mục “Góc nhìn” thường xuyên thông tin về dự thảo chính sách của Trung ương và Thành phố, ý kiến, góc nhìn, quan điểm, sự cần thiết xây dựng, sửa đổi nội dung dự thảo chính sách pháp luật, những nội dung cơ bản trong dự thảo chính sách tuyên truyền tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Năm 2022, Thành phố tích cực thực hiện truyền thông chính sách lớn tác động đến nhân dân trên địa bàn Thủ đô như dự thảo: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi),... Đặc biệt Thành phố tích cực truyền thông xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

Tạo thể chế thuận lợi để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững

Cũng theo Báo cáo, bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản chưa tích cực triển khai truyền thông dự thảo chính sách, còn tình trạng né tránh, ngại va chạm đưa nội dung thông tin để truyền thông, chưa xác định trách nhiệm của mình trong truyền thông dự thảo chính sách.

Bên cạnh đó, cách thức tổng hợp, tiếp thu, góp ý, phản biện xã hội, giải trình đối với những ý kiến, nhất là góp ý trái chiều trong quá trình truyền thông chưa được quy định cụ thể nhất là dự thảo truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng (thường nội dung này được tổng hợp, giải trình trên cơ sở lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức).

Trong Báo cáo, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu đưa ra quy định cụ thể về cách thức tiếp nhận việc góp ý, thông tin phản hồi đối với cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng chính sách; đưa ra quy định truyền thông dự thảo chính sách là một khâu bắt buộc trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, Thành phố đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trên phạm vi cả nước. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trung ương, bộ, ngành thuộc lĩnh vực đề xuất nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô, vai trò của các thành viên Ban soạn thảo Luật Thủ đô, vai trò của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan báo, chí, truyền thông của Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Qua đó, nhằm tạo sự đồng thuận của các cơ quan hệ thống chính trị từ trung ương tới các địa phương trong cả nước, sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân cả nước để ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo thể chế thuận lợi để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.