Chỉ mới 33,5% lao động tham gia bảo hiểm xã hội
Luật BHXH 58/2014/QH13 (Luật BHXH 2014) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 (riêng quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018). Tính đến hết tháng 12/2020 đã có hơn 16 triệu người tham gia BHXH (chiếm khoảng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (chiếm 27,8% lực lượng lao động trong độ tuổi); số thu BHXH năm 2020 là gần 260 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 2007.
Quá trình thực hiện Luật BHXH đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Diện bao phủ BHXH còn thấp; chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Quy định về điều kiện hưởng lương hưu và nhận BHXH một lần còn bất cập. Chính sách BHXH cho khu vực phi chính thức mới giới hạn ở hai chế độ hưu trí và tử tuất. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa.
Nhân viên Bưu điện Trung tâm 2 phát lương hưu tại đối tượng thụ hưởng tại quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Trần Thảo. |
Về quy mô tham gia BHXH trên thực tế, tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người), tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng.
Việc phát triển đối tượng BHXH còn dưới mức tiềm năng, còn nhiều đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia. Trong khi đó, số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm.
Bộ LĐTB&XH cho rằng, quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo cân đối trong dài hạn. Chính sách BHXH thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng. Quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn. Theo quy định của Luật BHXH điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội thì điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng.
Mở rộng độ bao phủ, giảm dần số năm đóng
Xuất phát từ thực tế, Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa đổi Luật BHXH bằng các chính sách như: Mở rộng độ bao phủ của BHXH, trong đó mở rộng độ bao phủ của BHXH bắt buộc; khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, không hưởng BHXH một lần; tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện; tạo điều kiện để nhiều người được hưởng lương hưu hàng tháng.
Để thực hiện được chính sách này, Bộ LĐTB&XH đưa ra các giải pháp thực hiện như: Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...
Điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất hoàn thiện các chế độ BHXH trên cơ sở kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững. Đồng thời, hoàn thiện chế độ hưu trí theo hướng kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí...
Bộ LĐTB&XH dự kiến, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội Khóa XV (tháng 10/2022); trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba của Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2023). Thời gian Luật có hiệu lực dự kiến từ 1/1/2024.