Trong Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày trước Quốc hội cho biết, Dự Luật gồm 7 chương, 74 điều với nhiều điểm mới ở các nội dung quy định chung. Trong đó, ở nội dung thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, Dự Luật có các điểm mới là: Bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông qua hệ thống thông tin nội bộ, đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị; quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục cán bộ, công chức, viên chức kiểm tra và giám sát; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Liên quan đến quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng, trình Dự Luật này.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ báo cáo và xin ý kiến Quốc hội. Cụ thể như loại ý kiến thứ nhất, đề nghị dự án Luật quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.
“Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất. Trên cơ sở đó, Dự Luật quy định một chương là chương IV về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Liên quan đến nội dung này, trong Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo đó trong Luật nên có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp (bao gồm cả hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động). Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí có một số nội dung quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước bởi đây là các tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn lực công nên có những đặc điểm, yêu cầu riêng về tổ chức, quản lý, kiểm soát không giống như các doanh nghiệp thông thường khác.
Việc luật quy định sâu hơn về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo cơ chế để người lao động tại doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp cũng phù hợp với yêu cầu được nêu tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị là cần tập trung nghiên cứu xây dựng và ban hành các quy chế dân chủ cho ba loại hình cơ sở là xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp nhà nước và cơ quan hành chính sự nghiệp.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào Dự Luật các quy định chi tiết, cụ thể hơn thể hiện rõ đặc thù trong việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, nhất là về các nội dung người lao động được tham gia ý kiến, được bàn bạc, quyết định và kiểm tra để tạo cơ sở pháp lý cho người lao động ở các doanh nghiệp này thực hiện quyền làm chủ một cách thực chất, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Luật này chỉ nên quy định về thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp nhà nước là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước mà không điều chỉnh đối với các loại doanh nghiệp khác, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, bởi mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp nói chung được xác lập trên cơ sở quan hệ lao động với nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau thông qua hợp đồng lao động…