Đề xuất dùng chung làn xe buýt BRT: Nên thí điểm để đánh giá thực tế

Ngọc Hải (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh đề xuất cho một số loại phương tiện sử dụng chung làn xe buýt BRT cũng như mở làn riêng xe buýt trên đường Nguyễn Trãi, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải.

Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải.
Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải.

Xin ông cho biết, do đâu mà Sở GTVT Hà Nội lại đề xuất cho một số loại phương tiện sử dụng chung làn đường của xe buýt BRT?

- Tuyến xe buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã hoạt động được 6 năm. Sau một thời gian hoạt động, dù chưa thể hoạt động đúng theo phương án thiết kế ban đầu, chưa đảm bảo tốc độ vận hành, tần suất chạy xe nhưng xe buýt BRT vẫn phát huy hiệu quả rất tích cực, góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, BRT đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, do làn đường riêng không được phân tách bởi dải phân cách cứng cho toàn tuyến. Hệ lụy kéo theo là bị các phương tiện khác xâm phạm, cản trở, làm giảm tốc độ lưu thông.

Tình trạng này diễn ra lâu nay, gây mất trật tự, ATGT trên tuyến đường xe buýt BRT đi qua. Vì vậy yêu cầu đặt ra là phải xem xét, tổ chức lại theo hướng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho BRT, đồng thời cũng xem xét đến nhu cầu thực tế của một số loại phương tiện khác, đặc biệt với xe cứu nạn, cứu hộ, xe công vụ...

Cụ thể những loại phương tiện nào được đề xuất sử dụng chung làn đường của buýt BRT, thưa ông?

- Thực tế là chừng nào xe buýt BRT hoạt động chưa đúng thiết kế thì chưa thể hiện rõ tính hấp dẫn và ưu việt của loại hình vận tải này. Chắc chắn, chúng ta vẫn tổ chức giao thông với phương châm lấy BRT làm đối tượng ưu tiên cao nhất.

Tuy nhiên, vừa qua, Viện Kinh tế - Xã hội đã có khảo sát tổng thể về hoạt động của xe buýt BRT và đề xuất, vào giờ thấp điểm (từ 22 giờ - 5 giờ), nên cho các phương tiện khác chạy vào làn BRT để tránh lãng phí.

Còn Sở GTVT báo cáo UBND TP xin ý kiến tổ chức giao thông theo hướng mở rộng một phần. Cụ thể là trên trục đường xe buýt BRT đi qua còn có nhiều tuyến xe buýt, xe vận tải khách từ 24 chỗ trở lên hoạt động với tần suất rất cao.

Qua khảo sát, Sở GTVT cho rằng có thể tách một số đối tượng ra khỏi làn giao thông chung và cho phép tham gia làn BRT để tránh lãng phí khung giờ cũng như không gian lưu thông. Do vậy, Sở đề xuất cho xe buýt thường, xe khách trên 24 chỗ, xe công vụ, cứu hộ cứu nạn hoạt động linh hoạt trên làn đường dành riêng xe buýt BRT.

Xe buýt nhanh BRT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Xe buýt nhanh BRT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Liệu như vậy có làm giảm hiệu quả của xe buýt BRT không?

- Chúng tôi có đề xuất như trên với UBND TP Hà Nội do nhận thấy tần suất hoạt động của xe buýt BRT hiện nay chưa bao phủ hết các khung giờ, giãn cách giữa các lượt xe rất lớn, tạo nên khoảng trống khiến nhiều phương tiện khác xâm phạm làn BRT.

Mặt khác, với mặt cắt ngang của làn đường dành riêng BRT là 3,5m thì xe vận tải khối lượng lớn có thể lưu thông qua khá thuận lợi. Nếu cho sử dụng chung vừa có thể góp phần giảm áp lực cho giao thông chung trên tuyến; vừa có thể giảm thiểu hiện tượng lấn do khoảng trống quá lớn.

Hơn nữa chúng ta còn có thể cho tổ chức thí điểm từng đoạn, trong thời gian nhất định để xem xét đánh giá cụ thể ròi mới quyết định chứ không phải áp dụng ngay. Là hiệu quả hay bất cập còn phải chờ thực tế thí điểm.

Có nhiều ý kiến cho rằng xe buýt BRT không mang lại hiệu quả, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Công bằng mà nói, chúng ta đang vận hành tuyến xe buýt BRT chưa hoàn toàn đúng với thiết kế lại chưa hoàn toàn tách biệt đường làn đường riêng cho nó. Muốn xe buýt BRT đạt được hiệu quả như mong muốn phải đẩy tần suất xe BRT lên theo đúng thiết kế 3 phút/lượt. Tần suất này sẽ khiến cho các phương tiện khác không thể chen vào làn đường dành riêng, và chúng ta không cần phải phải tổ chức lại giao thông.

Không ít chuyên gia cho rằng, hiện vận tải công cộng (VTCC) của Hà Nội mới đáp được khoảng hơn 10% nhu cầu đi lại. Có thể thấy, cứ 10 người thì có tới 9 không sử dụng xe buýt nên áp lực dư luận đối với VTCC nói chung, xe buýt BRT nói riêng lúc nào cũng rất cao, cao gấp nhiều lần ý kiến ủng hộ. Chúng ta cần nhiều quyết tâm và thời gian để thay đổi định kiến đó.

Nếu đề xuất cho sử dụng chung làn đường BRT này được thông qua sẽ được triển khai lâu dài hay ngắn hạn, thưa ông?

- Việc tổ chức cho sử dụng chung làn đường chắc chắn chỉ thực hiện trong một giai đoạn, phù hợp với điều kiện hiện nay, theo phương chấm ưu tiên cao nhất cho xe buýt BRT. Khi buýt BRT hoạt động đúng công suất, tính hấp dẫn tăng lên, khách đi lại đông hơn thì chúng ta sẽ tổ chức lại giao thông.

Tôi khẳng định đây chỉ là một đề xuất để thí điểm nhằm tìm ra cách tổ chức giao thông tối ưu, đồng thời hạn chế tối đa việc lấn làn xe buýt BRT. Nếu được phê duyệt chúng ta sẽ tổ chức công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Còn về hiệu quả của VTCC nói chúng, xe buýt BRT nói riêng, chúng ta cần rõ ràng với nhau một vấn đề: VTCC không thể sinh lời bằng tiền mặt. Chúng ta đang có hệ thống giá vé xe buýt, tàu điện rất rẻ phục vụ hành khách, và người dân được hưởng lợi trực tiếp từ đó, làm sao có thể mong đợi VTCC sinh lãi như các loại hình kinh doanh khác.

Hiệu quả nó mang lại là để góp phần thúc đẩy người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện cộng cộng, nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường. Vì mục tiêu đó nên TP Hà Nội mới chi tiền trợ giá cho VTCC.

Xin trân trọng cảm ơn ông!