Đề xuất giảm 50% mức hưởng BHXH một lần: Dễ gây “sốc” cho người lao động

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đề xuất giảm mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ 2 tháng lương/năm xuống còn 1 tháng sẽ khiến người lao động bị “sốc”. Trong việc đề xuất mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ LĐTB&XH nên tính cả phần DN đóng để có sự chia sẻ với người lao động.

Cực chẳng đã, người lao động mới nhận BHXH một lần
Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) của Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm 50% tiền hưởng BHXH một lần vẫn đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Bộ LĐTB&XH cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2020, mỗi năm bình quân có khoảng 700.000 người hưởng BHXH một lần dẫn đến số người tham gia BHXH tăng thêm chỉ là gần 600.000 người; tức là cứ có 2 người mới tham gia vào BHXH thì có một người dời khỏi hệ thống.
Số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng qua từng năm đặt áp lực rất lớn lên nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHXH và an toàn tài chính hưu trí cho người cao tuổi trong tương lai.
Để khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, không hưởng BHXH một lần, Bộ LĐTB&XH đề xuất giải pháp điều chỉnh quy định hưởng BHXH một lần theo hướng: Mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH một lần bằng 1 tháng lương bình quân mà người lao động (NLĐ) đã đóng BHXH.
 Người lao động đang làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Thủy Trúc.
Ngay khi biết thông tin mức hưởng BHXH một lần giảm 50% so với quy định hiện nay, nhiều NLĐ bày tỏ sự băn khoăn, thậm chí hoang mang. Bởi cực chẳng đã, không còn giải pháp nào khác, NLĐ mới phải đề nghị hưởng BHXH một lần để có tiền chi phí cho sinh hoạt hằng ngày trước mắt. Chị Nguyễn Thanh Hằng (phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình), trước đây làm ở trường mầm non tư thục nhưng bị mất việc đang đôn đáo đi tìm việc nhưng chưa được, cho rằng: “Bộ LĐTB&XH đề xuất hưởng BHXH một lần từ 2 tháng lượng xuống còn 1 tháng/năm thì thiệt cho chúng tôi quá. Tôi đề nghị vẫn nên để mức hưởng BHXH một lần 2 tháng lương như hiện nay. Bởi những NLĐ bị mất việc làm là quá khổ rồi vì đằng sau họ còn có gia đình, con cái học hành, biết xoay sở ra sao. Khi không còn cách nào để có tiền, chúng tôi mới phải nhận BHXH một lần”.
Chia sẻ về việc Bộ LĐTB&XH đề xuất mức hưởng BHXH một lần giảm tới 50%, tức từ 2 tháng lương xuống còn 1 tháng lương, Phó Trưởng Ban quan hệ lao động Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng: Trong các chính sách an sinh xã hội  về BHXH thì chính sách về hưu trí là lâu dài, bền vững và có lợi nhất cho NLĐ khi tham gia BHXH. Thực thi pháp luật BHXH ở Việt Nam trong mấy năm gần đây cho thấy số người nhận BHXH một lần tăng rất cao. Ví dụ, năm 2019 có trên 800.000 lao động nhận BHXH một lần, năm 2020 có trên 860.000 lao động nhận BHXH một lần. Điều này đồng nghĩa với NLĐ nhận BHXH một lần thường không có cơ hội nhận chế độ hưu trí.
Giải pháp căn cơ là tăng thu nhập cho người lao động
Biết rằng Bộ LĐTB&XH đề xuất điều chỉnh chính sách này nhằm mục đích giảm thiểu số NLĐ nhận BHXH một lần, để sau này họ có lương hưu. “Nhưng mục đích này cũng có những cái không phù hợp trong thời điểm này, một là tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần đang tăng cao là có nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ có tỷ lệ được hưởng cao. Theo thông tin chúng tôi nhận được, nguyên nhân căn bản nhất là thu nhập của NLĐ hiện nay rất là thấp. Khi NLĐ mất việc, nghỉ việc thì không còn đồng tiền dư dật nào để lo cuộc sống trước mắt.
 Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm 50% mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần, để sau này người lao động có lương hưu.
Nhiều NLĐ không có quan hệ lao động, khi thôi việc họ cũng muốn giữ lại BHXH để sau này có hưu trí. Nhưng trước mắt họ không có gì để sống, dẫn đến đã có tình trạng bán sổ BHXH hoặc đi vay nợ nóng” – ông Lê Đình Quảng nói.
Theo ông Lê Đình Quảng, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, điều căn cơ lâu dài nhất là làm sao tăng được thu nhập cho NLĐ, để khi họ làm việc, ngoài chi tiêu trước mắt còn có tiền tích lũy. Trong trường hợp rủi ro bị mất việc làm, NLĐ vẫn còn đồng tiền để duy trì cuộc sống.
Và, điều thứ hai, đó là việc sửa các chế độ chính sách cần phải có lộ trình, quy định, điều kiện. Bộ LĐTB&XH có thể đề xuất xem xét giảm mức hưởng; nhưng không thể xây dựng chính sách một cách “sốc” như thế, không thể đang hưởng từ 2 tháng lương giảm ngay xuống còn 1 tháng lương.
Mục tiêu của chính sách giảm tình trạng hưởng BHXH một lần là đúng đắn, nhưng cần có thiết kế cụ thể tăng cái nào, giảm cái nào, chỗ nào mở, chỗ nào chặt. Chính sách an sinh xã hội thì phải giải quyết đồng bộ nhiều chính sách khác vì có mối liên thông với nhau, chứ chỉ một chính sách thì không thể được.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng đề xuất giảm 50% mức hưởng BHXH một lần sẽ tạo ra “cú sốc” cho NLĐ. Đó là chưa tính đến tác động về mặt quyền lợi của NLĐ; nếu chính sách này được ban hành dễ gây ra phản ứng.
“Theo tôi, cần có bước đi hợp lý, chẳng hạn như giảm mức hưởng BHXH một lần xuống còn 1,5 tháng lương/năm trong thời gian bao lâu, sau đó giảm xuống còn 1 tháng lương.
Ngoài ra, vì BHXH có sự chia sẻ nên khi tính mức hưởng BHXH một lần, Bộ LĐTB&XH cũng nên tính toán cả phần của DN đóng BHXH cho NLĐ. Hiện nay, Bộ mới tính mức hưởng BHXH một lần của NLĐ theo số phần trăm mà NLĐ đóng chứ chưa có phần của DN đóng” – ông Nguyễn Hữu Dũng nêu ý kiến.
Vì đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp nên các chuyên gia lao động đề nghị Bộ LĐTB&XH cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của chính sách, sau đó đề xuất mức hưởng, rồi thông tin rộng rãi để tránh gây tâm lý hoang mang cho NLĐ.