Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước, áp dụng từ ngày 15/11/2021 đến hết 15/5/2022 (tổng thời gian thực hiện 6 tháng). Trường hợp Nghị định được Chính phủ ban hành sau ngày 15/11 tới, thời gian áp dụng chính sách sẽ tính từ ngày 1/12/2021 tới hết ngày 31/5/2022.
Đề xuất trên được Bộ Tài chính đưa ra khá bất ngờ, khi trước đó các nhà sản xuất ô tô nhiều lần kiến nghị Chính phủ và Bộ tài chính tiếp tục áp dụng chính sách trên, nhưng bộ này không đồng thuận, do chưa phù hợp với các hiệp định thương mại Việt Nam là thành viên.
Theo đại diện Bộ Tài chính, mục đích của đề xuất này là để kích cầu cầu tiêu dùng trong nước. Bởi việc giảm lệ phí trước bạ góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu xe ô tô, làm tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập trung bình cao.
Qua đó góp phần nối lại chuỗi cung ứng, tháo gỡ, giảm bớt khó khăn cho DN sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Theo tính toán, việc giảm lệ phí trước bạ đã tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay, khi không áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ, số lượng xe ô tô tiêu thụ đã giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Kéo theo đó, sản lượng xe ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước cũng có giảm mạnh qua từng tháng, do nhu cầu tiêu thụ giảm.
Trước đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước từng được áp dụng cho nửa cuối năm 2020, số tiền lệ phí trước bạ đã giảm 7.314 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng số thu lệ phí trước bạ 6 tháng cuối năm 2020 vẫn tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với tổng số thu khoản lệ phí này của 6 tháng đầu năm (khi chưa giảm lệ phí). Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách Nhà nước từ ô tô đăng ký mới vẫn tăng trên 14.110 tỷ đồng từ các loại thuế, phí khác. Điều này nhờ chính sách giảm lệ phí trước bạ, nên số lượng ô tô mới tiêu thụ nửa cuối năm trước tăng gấp đôi so với nửa đầu năm.
Biện pháp giảm lệ phí này chỉ áp dụng trong vòng 6 tháng, là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động của đại dịch Covid-19.