Đề xuất giảm phí BOT: Tại sao không thực hiện ngay từ đầu?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên bộ Tài chính – GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ các phương án giảm phí BOT tại 29 trạm thu phí trên cả nước.

Trong đó, mức phí dự kiến giảm 10 – 20%. Động thái này đã nhận được sự phản ứng tích cực từ các DN vận tải. Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, đề xuất giảm phí đã thêm một lần nữa chỉ ra những “khoảng tối” tại các dự án BOT.

Giảm sai đối tượng

Theo Bộ Tài chính, các phương án giảm phí được đề ra trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và thực hiện theo nguyên tắc không giảm phí với các trạm có mức thu theo Thông tư số 90/2004TT-BTC, vì mức thu này thấp và các trạm thu phí trên đường cao tốc do thu phí kín, mức thu tính theo km xe chạy và người sử dụng có quyền lựa chọn. Việc giảm phí được đề xuất mức 10 - 15% cho nhóm 4 (xe tải có tải trọng 10 - 18 tấn, xe container 20 feet), nhóm 5 (xe tải 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet) tại các trạm có mức thu tối đa khung tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC (mức thu cao nhất 200.000 đồng/lượt). Ngoài ra, Bộ Tài chính kiến nghị xem xét giảm 10 - 20% phí với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi là 45.000 đồng tại 5 trạm đã thu phí mức cao nhất gồm 2 trạm ở QL 5, 2 trạm cầu Bến Thủy QL1 và 1 trạm cầu Gianh QL1. Và nếu được chấp thuận, sẽ có 24 trạm thu phí giảm phí cho các xe nhóm 4 và 5 với mức 10 - 15%; 5 trạm giảm phí cho các xe nhóm 1 và 2 với mức từ 10 - 20%.
Thu phí trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Phạm Hùng
Thu phí trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Phạm Hùng
Theo các chuyên gia, đề xuất trên thoạt nghe thì có vẻ hấp dẫn nhưng nếu tính lại thì đây chỉ là biện pháp trấn an dư luận của các đơn vị quản lý Nhà nước. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giảm phí BOT ở 29 trạm thu phí chỉ nhằm mục đích kêu gọi các DN vận tải sử dụng đường có thu phí. Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đối tượng giảm chính trong tờ trình là xe tải trọng lớn, xe container chủ yếu phục vụ cho các đơn vị xuất nhập khẩu, cảng biển. Trong khi đó, xe khách, xe tải nhỏ, xe cá nhân… lại không được giảm. Do đó, đề xuất trên sẽ không có nhiều tác dụng trong việc ổn định nền kinh tế, giảm thiểu những khó khăn mà DN và xã hội đang gặp phải do tình trạng ra đường là mất tiền như hiện nay.

Doanh nghiệp vẫn lãi to

Đề cập đến nguyên nhân điều chỉnh giảm phí tại các trạm BOT, ông Nguyễn Viết Huy - Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), hầu hết các dự án sau khi quyết toán đều có chi phí đầu tư thấp hơn tổng mức đầu tư ban đầu do chi phí dự phòng lớn nhưng không sử dụng đến. Và đây là cơ sở để thực hiện việc điều chỉnh mức phí cũng như phương án tài chính của dự án. Trước thông tin này, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, như vậy, Bộ GTVT đã biết các dự án không thực hiện hết kinh phí dự toán, vậy tại sao không giảm phí ngay từ đầu. Thậm chí còn năm lần bẩy lượt đề xuất tăng phí BOT.

Đề cập đến mức giảm 10 - 20%, TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng: Mức giảm phí này không nhỏ, nếu chủ đầu tư dự án BOT trung thực, không đội giá thì rõ ràng với mức giảm này DN đầu tư BOT sẽ chịu thiệt lớn. Đề xuất giảm mức phí BOT một lần nữa đã cho thấy có sự thiếu minh bạch giữa cơ quan quản lý Nhà nước và DN làm BOT trong việc tính toán mức phí, lộ trình tăng phí.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia giao thông cũng cho rằng, không những phải giảm phí, các DN còn không được phép tăng phí theo hợp đồng đã ký với các cơ quan quản lý Nhà nước... Nhưng đến thời điểm này cũng không thấy DN, đơn vị quản lý Nhà nước nào kêu việc giảm phí sẽ phá vỡ phương án tài chính như trước. Điều này cho thấy, dù có giảm phí nhưng các DN làm BOT vẫn có lợi lớn. Vậy tại sao các cơ quan Nhà nước không tiến hành điều chỉnh giá cước ngay từ đầu mà phải đợi đến khi dư luận phản ứng gay gắt, Chính phủ phải vào cuộc mới điều chỉnh. Và nếu không điều chỉnh, số tiến chênh lệch từ 10 – 20% sẽ chảy vào túi ai.

Siết chặt các dự án BOT

Liên quan đến vấn đề giảm phí BOT, ngày 11/8, ông Phạm Huy Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, trước khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện việc giảm phí đối với một số dự án. Cụ thể, trong tháng 6 và tháng 7/2016, Bộ GTVT đã có 7 văn bản đề nghị Bộ Tài chính giảm phí tại 7 dự án. Đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư giảm phí tại 6 dự án. Đến nay, đã có 5 trạm thu phí thực hiện giảm, như: Trạm đèo Hải Vân, hai trạm thu phí qua Quảng Ngãi (Tam Kỳ, Đức Phổ), cầu Cổ Chiên và trạm Bắc Bình Định.

Tuy nhiên, việc giảm phí chỉ là biện pháp tạm thời chứ không thể giải quyết triệt để những bất cập tại các dự án BOT. Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan Nhà nước phải nêu cao vai trò giám sát của mình. Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, các dự án BOT phải được đặt dưới sự giám sát của các cơ quan Nhà nước gồm Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước… có như vậy, mới hạn chế được những bất cập đã và đang tồn tại ở các trạm thu phí. Trong khi đó, ông Thân Văn Thanh -  chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường chất lượng dự báo mật độ phương tiện trên từng cung đường. “Khi dự án mới thực hiện, các đơn vị đã làm việc này, nhưng vài năm sau mật độ đã cao hơn rất nhiều mà vẫn sử dụng khảo sát cũ thì chỉ có lợi cho các DN” – ông Thanh nói.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để quản chặt các dự án BOT, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được các tiêu chí, định mức rõ ràng để có thể kiểm soát, xử lý, không thể chỉ dựa vào sự chấp thuận, đồng thuận với các nhà đầu tư khi ban hành mức thu phí như hiện nay của Bộ Tài chính. Cùng đó, cần phải siết chặt công tác kiểm toán của các dự án. Để làm được việc này, cần có các công ty, đơn vị kiểm toán đủ năng lực, độc lập và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm toán của mình. Có như vậy, mới có thể kiểm soát được các báo cáo thu chi của các chủ đầu tư.
Các chủ đầu tư mới chỉ tập trung giảm phí xe trọng tải lớn, còn xe loại nhỏ thì chưa, đương nhiên, người dân gián tiếp không được hưởng lợi gì, nên cần tính toán lại. Hiện tại, phí đường của Việt Nam đã cao hơn phí nhiên liệu và đây là một nghịch lý đang phá vỡ quy luật cấu thành giá cước vận tải.
Ông Nguyễn Văn Thanh

Chủ tịch Hiệp hội  Vận tải ô tô Việt Nam

Bộ GTVT sẽ cùng các chủ đầu tư tính toán lại phương án tài chính và điều này đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian thu phí, bởi việc giảm phí sẽ dẫn tới giảm thu lớn cho nhiều dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT

Nguyễn Hồng Trường