Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất giảm thuế suất thu nhập DN từ 20% xuống 17%: Mũi tên trúng nhiều đích

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN đang được Bộ Tài chính xây dựng để trình Chính phủ, từ 1/1/2017, mức thuế thu nhập DN (TNDN) đối với DN nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ giảm từ 20% xuống còn 17%.

Nếu được áp dụng, biện pháp này được đánh giá sẽ không làm giảm mà còn tăng thu ngân sách, vì DN được hỗ trợ để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh và khuyến khích DN chấp hành pháp luật thuế tốt hơn.

Hụt thu trước mắt, tăng thu dài hạn

Ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Cát Lợi cho biết, việc giảm thuế TNDN xuống 17% là chính sách thiết thực của Nhà nước trong việc tạo môi trường kinh doanh, niềm tin và hỗ trợ DNNVV phát triển thực sự. Ông Long tính toán, nếu như mức thuế 17% được áp dụng ngay trong năm tới thì Công ty sẽ giảm được khoảng 1 tỷ đồng tiền thuế. Số tiền này đóng góp đáng kể vào số vốn quay vòng, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Nhờ vậy, công việc kinh doanh cũng hiệu quả hơn, dự đoán doanh thu năm sau cũng sẽ cao hơn năm trước.
Doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Linh
Doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Linh
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế TNDN trước mắt có thể làm hụt thu ngân sách, nhưng về lâu dài, chính sách này sẽ hỗ trợ DN vươn lên phát triển, đóng góp vào nguồn thu. Mức thuế giảm sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, sẽ có một bộ phận không nhỏ hộ kinh doanh trong khu vực phi chính thức chuyển sang thành DN. Và số DN tăng thêm này cũng sẽ đóng góp đáng kể vào ngân sách thời gian tới.

Theo ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), nếu DNNVV được áp dụng thuế suất 17% theo tiêu chí doanh thu năm không quá 100 tỷ đồng thì mức giảm thu ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Còn nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì mức giảm thu chỉ khoảng 473 tỷ đồng.

Gỡ bỏ áp lực về thuế

Đón nhận thông tin này, cộng đồng DN rất hào hứng. “4, 5 năm qua, những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước đã khiến nhiều DN, đặc biệt khối DNNVV mệt mỏi. Trong bối cảnh hiện nay, một chính sách thuế hợp lý vào thời điểm này là thực sự cần thiết” - ông Tuấn Anh - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vận tải Đức Minh nhấn mạnh. Cũng theo nhiều DN, khi thuế cao, DN sẽ tìm cách để lách, trốn thuế. Nhưng nếu mức thuế giảm xuống, sẽ khuyến khích DN tự giác thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, tăng minh bạch hoạt động này.

Đại diện Hiệp hội DNNVV Hà Nội - ông Mạc Quốc Anh cho biết, theo các thống kê, chỉ tính riêng các DNNVV có doanh thu hàng năm dưới 20 tỷ đồng chiếm khoảng 50% các DN Việt Nam. Mức giảm 3% thuế TNDN sẽ tác động tương đối đến cộng đồng DN. Điều này cũng giúp khối DNNVV hạn chế rời bỏ thị trường. Môi trường cạnh tranh sẽ khuyến khích nhiều DN khởi nghiệp, bản thân các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong và ngoài nước sẽ tăng niềm tin. Giảm thuế cũng sẽ giúp DN tăng nguồn thu, từ đó tập trung đào tạo nhân lực, nâng cao giá trị cạnh tranh để DN mở rộng đầu tư.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, để tránh gian lận, cần có tiêu chí phân loại DN và giám sát rõ ràng. TS Trương Thanh Đức - chuyên gia kinh tế cho biết, tiêu chí xác định DN được hưởng mức thuế ưu đãi phải có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng sẽ làm gia tăng tình trạng DN gian lận như giấu doanh thu, DN “không chịu lớn”, không muốn tăng quy mô. “Nếu tiêu chí phân loại DN không rõ ràng, cùng với việc buông lỏng giám sát sẽ dẫn tới việc ảnh hưởng tới số thu ngân sách và gây bất bình đẳng trong sự phát triển kinh tế” - ông Đức nêu quan điểm. Chính vì thế, về lâu dài, Chính phủ cần xây dựng các chính sách gián tiếp tác động đến môi trường kinh doanh như: Thủ tục hành chính, hành lang pháp lý, tư vấn hỗ trợ cùng những ưu đãi khác ngoài thuế. Như vậy, sự hỗ trợ cho DN mới thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng cần cải cách hệ thống quản lý thuế, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin và bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, công chức thuế... để có thể đáp ứng nhu cầu quản lý và hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN.
Thời gian qua, thuế suất thuế TNDN giảm mạnh từ mức 32% (năm 1999) xuống mức 28% (2004), 25% (2009), 22% (2014). Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất thuế thu nhập DN giảm xuống mức 20%. Mức thuế TNDN của Việt Nam hiện nay khá thấp so với các nước như Philippines (30%) và Trung Quốc (25%).