Theo đó, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi, đối tượng được giảm thuế VAT theo hướng giảm 2% đối với tất cả các nhóm hàng đang áp dụng mức thuế 10% theo quy định của Luật thuế VAT.
Bởi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng giảm nhanh từ quý 4/2022 và 4 tháng đầu năm 2023. Các lĩnh vực đều khó khăn, nhất là khu vực công nghiệp, xây dựng.
Quá trình điều hành giá đang gặp áp lực lớn do điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế, các mặt hàng nhà nước kiểm soát giá; việc điều chỉnh chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2023.
Việc cắt giảm lao động ở một số ngành, lĩnh vực sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, tiềm ẩn khó khăn về an sinh, xã hội. Do đó, cần giảm thuế VAT, vì đây là loại thuế gián thu, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế.
Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Khi giảm thuế theo Nghị quyết 43, thu ngân sách không giảm mà còn tăng hơn 400.000 tỉ đồng so với số dự toán và tăng hơn 200.000 tỉ đồng so với số Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Ý kiến này cũng cho rằng việc loại trừ một số nhóm hàng hóa theo quy định tại Nghị quyết 43 dẫn đến khó khăn trong việc xác định các mặt hàng thuộc danh mục được giảm thuế.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên, vật liệu. Một số trường hợp gặp khó khăn trong áp dụng thuế suất VAT đối với nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp sản xuất.
Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị cân nhắc giảm 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu, mức giảm 2% có thể không đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành chính sách.
Có ý kiến đề nghị giảm 5% để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang chung tay tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.
Về thời gian áp dụng, đa số ý kiến đề nghị kéo dài thời gian áp dụng, vì việc nếu chỉ thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023 thì chưa đủ để chính sách đi vào cuộc sống. Đồng thời, cũng không giúp được nhiều cho doanh nghiệp, người dân hưởng lợi, phát huy được tác dụng và hiệu quả của chính sách.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc thời gian áp dụng chính sách có thể đến hết năm 2024 để chính sách phát huy hiệu quả, đảm bảo ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế, chủ động trong dự toán thu, chi ngân sách năm 2024. Có ý kiến cho rằng nghị quyết nên có quy định mở để có thể được tiếp tục kéo dài.
Cụ thể, Quốc hội cho phép ủy quyền lại cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể gia hạn trên cơ sở đề xuất của Chính phủ về kéo dài việc thực hiện chính sách tiếp 6 tháng đầu năm 2024 hoặc cả năm 2024 sẽ hợp lý hơn để không bị gián đoạn trong thực hiện chính sách.