Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): 

Đề xuất giao TP Hà Nội phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao cho UBND TP Hà Nội quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND TP Hà Nội. 

Thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm tới những nội dung về bảo vệ môi trường của Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô bảo đảm môi trường sống trong lành

Góp ý vào nội dung quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô tại điều 17, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) đề nghị bổ sung cụm từ “môi trường sống trong lành” tại khoản 1 và viết lại khoản này như sau: “Quy hoạch chung Thủ đô phải đảm bảo xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, môi trường sống trong lành, phát triển bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân được sống trong môi trường xanh, sạch, thuần khiết, chất lượng với hệ sinh thái cân bằng, không có những sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và hoạt động thường ngày của người dân”. 

Đại biểu tham dự phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị bổ sung tại khoản 1 điều 28 quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô nguyên tắc xây dựng môi trường sống trong lành và các quy định về cơ chế thực hiện đảm bảo môi trường sống trong lành của Thủ đô được nghiêm túc thực thi.

Đối với vấn đề quản lý, sử dụng không gian ngầm quy định tại điều 19, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị quy định rõ hơn trong Dự thảo Luật này các chính sách ưu tiên phát triển không gian ngầm.

Đồng thời đại biểu Nguyễn Hải Anh cho rằng, Hà Nội phải đặt trọng tâm vào việc giữ gìn và phát triển hơn nữa diện tích đất trồng rừng; coi việc nâng tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội là vấn đề cốt lõi. Hạn chế tối đa các dự án có mục đích chuyển đổi đất rừng, sản xuất; có giải pháp tăng thêm diện tích cây xanh trong khu vực đô thị trung tâm TP.

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang) đề nghị bổ sung thêm khoản 5 vào điều 28 về bảo vệ môi trường. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định giao cho UBND TP Hà Nội quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND TP Hà Nội. 

Tại điểm b điều 54, đối với diện tích đất đã được đầu tư hạ tầng nhưng chưa cho thuê đất, UBND TP Hà Nội thực hiện việc thu hồi đất và cho thuê đất trực tiếp với các nhà đầu tư. Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng nếu quy định như trên sẽ dễ dẫn đến hiểu nhầm, đề nghị cân nhắc sửa lại.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp)

Phân quyền cho Hà Nội điều chỉnh phân luồng môi trường 

Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn tỉnh Long An) góp ý vào quy định về vùng phát thải thấp tại khoản 6 điều 3 và tiêu chuẩn môi trường tại khoản 3 điều 28. Đại biểu cho rằng các quy định này không đồng bộ về pháp luật bảo vệ môi trường và đề nghị trong trường hợp vẫn quy định như Dự thảo Luật cần có báo cáo về cơ sở khoa học xác định thế nào là mức phát thải thấp để bảo đảm tính khả thi trong quy định này.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách đột phá so với pháp luật hiện hành đó là phân quyền cho Hà Nội về điều chỉnh phân luồng môi trường trong quy hoạch Thủ đô mà không áp dụng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Quy hoạch. 

Cụ thể, đại biểu kiến nghị sửa lại điểm 3, khoản 3 điều 28 như sau: HĐND TP Hà Nội quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục, xác định điều chỉnh vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với từng phân luồng môi trường. Đồng thời cần rà soát bổ sung quy định phù hợp để tránh vướng mắc trong thực tiễn khi áp dụng Luật này và Luật Quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn tỉnh Long An)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn tỉnh Long An)

Đối với việc huy động nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường quy định tại điều 34 và điều 37, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị sửa đổi khoản 5 điều 34 thành: Ngân sách TP Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại khoản 4 điều này để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. 

Ngoài ra, đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 1 điều 37 theo hướng tăng cường phân quyền cho Hà Nội trong việc phê duyệt các dự án trọng điểm về bảo vệ môi trường. Dự án trọng điểm của Thủ đô là dự án có quy mô lớn, có vai trò động lực lan tỏa, kết nối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của Thủ đô và HĐND TP Hà Nội quyết định danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô.

Đối với cơ chế tài chính liên quan đến việc giảm phát thải khí nhà kính tại khoản 4 điều 28, đại biểu đề nghị bổ sung vào cuối điểm a khoản 4 điều 28 nội dung như sau: "UBND TP ban hành trình tự, thủ tục và quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư để giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường, tương đương như cơ chế đặc thù mới được Quốc hội thông qua đối với TP Hồ Chí Minh". 

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bỏ nội dung kinh tế số tại điểm c khoản 4 điều 28 vì không gắn với bảo vệ môi trường và đề nghị bổ sung dự án bảo vệ môi trường thành HĐND TP Hà Nội quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang)
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang)

Khoản 4, điều 28 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về bảo vệ môi trường quy định việc giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon được thực hiện như sau:

a) Tín chỉ các-bon hình thành từ các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách Thành phố được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; 

b) Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon quy định tại điểm a khoản này là nguồn thu ngân sách TP được hưởng 100%; các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP. 

c) HĐND TP Hà Nội quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP; 

d) UBND TP Hà Nội quy định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn Thành phố cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ các-bon; ban hành trình tự, thủ tục và quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư dự án giảm phát thải khí nhà kính.