Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất hai phương án xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/5, Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sau khi chỉnh lý, bổ sung tiếp tục được trình ra Quốc hội. Trong đó, việc bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý được xem là quy định mới, cần thiết. Nhưng đây cũng là nội dung vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau ngay trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
Hai phương án xử lý tài sản bất minh
Dự Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đề xuất hai phương án. Theo đó, phương án 1, đối với những trường hợp kê khai không trung thực, không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm thì sẽ bị thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

Phương án hai, những trường hợp kê khai không trung thực, không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Đối với cả 2 phương án, Dự Luật đều quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp cho rằng, Dự Luật đã bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga phân tích, đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do phạm tội, do vi phạm pháp luật mà có) thì tùy từng trường hợp, pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể để xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu hoặc tịch thu sung công… Riêng đối với tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được về nguồn gốc, đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định để xử lý, trong đó không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng người có nghĩa vụ kê khai cũng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp và Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Đồng thời, để phòng chống tham nhũng, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng nhiều cách thức xử lý khác nhau đối với loại tài sản này.
 Ảnh: Quochoi.vn
Rất cần thận trọng và có bước đi phù hợp

Tuy nhiên, về phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc vẫn có những quan điểm khác nhau. “Đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu PCTN, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân”- Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.

Trong cơ quan thẩm tra cũng có các quan điểm khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với phương án 1 của Dự Luật và cho rằng, đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, nhưng Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp thì trước mắt, có thể coi đây là các khoản thu nhập phát sinh mà người kê khai chưa nộp thuế và buộc họ phải nộp thuế là phù hợp trong điều kiện hiện nay. Phương án này không mâu thuẫn với các quy định hiện hành của pháp luật hình sự, dân sự và hạn chế ít nhất việc phải sửa đổi các luật có liên quan.

Loại ý kiến thứ hai tán thành với phương án 2 của Dự Luật. Phương án này thể hiện chế tài nghiêm khắc của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; khắc phục tính hình thức trong kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, chưa quy định về thẩm quyền xử phạt và mức phạt. Do đó, nếu áp dụng theo phương án này thì cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để bổ sung xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, đồng thời sửa đổi về thẩm quyền, mức phạt.

Một số ý kiến đề nghị, không quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc; trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng minh được tài sản này do tham nhũng, do phạm tội mà có thì tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc xử lý theo quy định của các luật có liên quan. Đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý thì tùy theo mức độ sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm…). Ý kiến này cho rằng, nếu thực hiện nghiêm chỉnh các quy định này cũng đã đủ nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe và đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng.