Đề xuất loại 79 xã ra khỏi diện đầu tư Chương trình 135

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban Dân tộc vừa có Tờ trình số 09/TTr-UBDT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020.

Theo nội dung tờ trình, Ủy ban Dân tộc đề xuất Thủ tướng Chính phủ không đưa vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 đối với 79 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu.
 Theo đề xuất của Ủy ban Dân tộc, sẽ có 2.139 xã đặc biệt khó khăn, biên giới, an toàn khu thuộc diện đầu tư Chương trình 135.
Trong số 79 xã được đề cập tới, có 47 xã đã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 năm 2015 theo Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 1/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới đã được Chủ tịch UBND các tỉnh công nhận. Ngoài ra, còn 7 xã đặc biệt khó khăn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh sách các xã đặc biệt khó khăn thuộc bãi ngang ven biển và hải đảo tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 (7 xã thuộc nhóm này đã được đầu tư theo Dự án 1: Chương trình 30a của Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Như vậy, tổng số xã được Ủy ban Dân tộc đưa vào diện đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 là 2.139 xã. Trong đó, có 1.928 xã đặc biệt khó khăn và 211 xã biên giới, an toàn khu. Cũng trong danh sách này, Hà Nội không có xã nào.

Tờ trình của Ủy ban Dân tộc cũng đề xuất T.Ư hỗ trợ vốn đầu tư cho 44 tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách. Hai tỉnh đã cân đối được ngân sách là Quảng Ninh và Khánh Hòa sẽ sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện đầu tư cho Chương trình 135 trong giai đoạn 2017 - 2020.