Đề xuất lương tối thiểu giờ: Vẫn thấp hơn mức sống tối thiểu

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia và người lao động (NLĐ) cho rằng mức lương tối thiểu giờ được Bộ LĐTB&XH đề xuất theo 4 vùng từ 15.600 đồng/giờ đến 22.500 đồng/giờ còn thấp, cần phải cao hơn từ 10 - 15% so với lương tối thiểu tháng.

Đề xuất còn thấp

Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Tờ trình dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động. Trong đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.

Công nhân ngành may mặc làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Công nhân ngành may mặc làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Bên cạnh việc đưa ra mức lương tối thiểu tháng, Bộ LĐTB&XH đề xuất mức lương tối thiểu giờ, thực hiện từ ngày 1/7/2022. Mức lương tối thiểu giờ gồm 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Theo Bộ LĐTB&XH, các mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ LĐTB&XH. Cụ thể, Bộ lấy mức lương tối thiểu tháng chia 26 ngày làm việc tiêu chuẩn/tháng, sau đó chia 8 giờ làm việc/ngày để ra được mức lương tối thiểu giờ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân đồng tình với việc có lương tối thiểu giờ bởi nội dung này đã được quy định trong Bộ luật Lao động. Thông thường các nước lấy lương tối thiểu giờ làm nền để tính lương tuần, lương tháng cho NLĐ.

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, lương tối thiểu giờ có vai trò giống như lương tối thiểu tháng, là lưới an toàn thấp nhất để bảo vệ quyền lợi của NLĐ làm công ăn lương.

“Hiện nay, có rất nhiều công việc bán thời gian hoặc NLĐ làm nhiều việc một lúc thì rất cần có lương tối thiểu giờ để đảm bảo những điều kiện đó. Đặc biệt, bây giờ xuất hiện những nhóm lao động làm việc linh hoạt như lái xe công nghệ rất cần biết mức lương tương ứng với một giờ làm việc là thấp hay cao” - bà Lan Hương nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia, NLĐ cho rằng mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng đang được Bộ LĐTB&XH đề xuất, tuy rằng được chia từ mức lương tối thiểu tháng nhưng thu nhập của lao động làm theo giờ thấp hơn thu nhập của người làm việc toàn thời gian. Vì thế, nếu áp dụng lương tối thiểu giờ theo đề xuất của Bộ LĐTB&XH thì NLĐ sẽ thiệt nhiều.

“Nhiều nước tính mức lương tối thiểu giờ khá cao để thuê được lao động làm thêm giờ. Mức quy định của Bộ LĐTB&XH so với mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu là thấp… Với đặc điểm công việc phải thuê người làm theo giờ, thường người sử dụng lao động phải trả cao hơn mức này” - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng nói.

Cần cao hơn 1,2 - 1,3 lần mức đề xuất

Từng là Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia và có nhiều năm tham gia xây dựng chính sách tiền lương, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Bộ LĐTB&XH nên nói rõ là lấy lương tối thiểu tháng, lương tối thiểu ngày hay lương tối thiểu giờ làm chính? Khi Bộ lấy lương tối thiểu giờ là gốc thì phải có căn cứ vào những yếu tố nào để tính ra số tiền công của NLĐ (ví dụ như nghiên cứu khoa học về lương tối thiểu giờ, bài học kinh nghiệm quốc tế, khảo sát thực tế có đánh giá).

Trên thực tế, dù Nhà nước chưa có hướng dẫn trả lương tối thiểu giờ nhưng nhiều chủ sử dụng lao động đã thực hiện. Cho nên, nhiều ý kiến đề nghị Bộ LĐTB&XH cần khảo sát thực tế tiền lương theo giờ, chứ không phải lấy lương tối thiểu tháng đã thấp, chia ra theo giờ thì càng thấp hơn. Và, Bộ cũng cần rà soát lại những công việc nào có thể trả lương theo giờ.

“Cách tính lương tối thiểu giờ theo lương tối thiểu tháng chia ra thì không hẳn là đúng. Thông thường, lương tối thiểu giờ phải cao hơn lương tối thiểu tháng từ 10 - 15% bởi tính chất công việc không ổn định” - ông Minh Huân đề nghị.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng, mức lương tối thiểu giờ do Bộ LĐTB&XH đưa ra là thấp, chưa thể hiện được bản chất của nó. Thực tế, hiện nay, những NLĐ làm việc toàn thời gian, ngoài việc nhận lương tối thiểu tháng, họ còn được DN hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi trả đào tạo, tập huấn, thực hiện các chính sách lao động…

Tuy nhiên, nhóm lao động hưởng lương theo giờ thường làm việc không trọn thời gian cho một tổ chức cố định nên không được hưởng các chế độ chính sách lao động.

Do vậy, khi Bộ LĐTB&XH xây dựng lương tối thiểu giờ thì cũng cần cộng những khoản hỗ trợ đó để tính lương để NLĐ không bị thiệt thòi. Kinh nghiệm các nước, NLĐ được nhận lương tối thiểu giờ theo hệ số 1,3 - 1,7 lần so với lương tối thiểu tháng.

Hơn nữa, mức lương tối thiểu giờ cần được xây dựng dựa trên các yếu tố như mức sống tối thiểu của NLĐ có nuôi con, khả năng chi trả của chủ sử dụng lao động, phát triển kinh tế, tương quan mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường lao động. Nếu Bộ tăng mức lương tối thiểu giờ cao hơn 1,2 - 1,3 lần mức đề xuất sẽ tốt hơn và hợp lý hơn cũng như đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

 

"Bộ LĐTB&XH đề xuất mức lương tối thiểu tháng thấp hơn lương DN đang trả, chênh nhau 5.600 đồng/giờ lao động. Đề nghị Bộ LĐTB&XH nên có hướng dẫn cụ thể nói rõ lương tối thiểu giờ áp dụng cho NLĐ làm việc ở loại hình DN nào? Và khi NLĐ làm thêm giờ thì được hưởng mức lương 1,5 hay 1,7 hoặc 1,8 lần so với giờ làm việc chính thức?" - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa Nguyễn Minh Sơn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần