70 năm giải phóng Thủ đô

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: băn khoăn về tính công bằng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tại Dự thảo Luật Nhà giáo, đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác từ mầm non đến đại học nhận được nhiều ý kiến của dư luận.

Không thể có quá nhiều "đặc quyền, đặc lợi"

Tại phiên họp thứ 38 của Quốc hội, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thẩm tra sơ bộ của các Ủy ban Quốc hội với Dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Dự thảo Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại Quốc hội.

Một trong số các chính sách gây tranh luận trong Dự thảo Luật Nhà giáo là đề xuất Nhà nước sẽ trả tiền học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác từ mầm non đến đại học. Căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí cần trả thêm hàng năm là khoảng 9.200 tỷ đồng/năm.

Nêu ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói, dự luật quy định miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong quá trình công tác là rất nhân văn nhưng việc thực hiện không dễ dàng.

"Chỗ này quy định thế nào hoặc để cho Chính phủ quy định theo hướng đối với những nhà giáo có khó khăn thì có chính sách hỗ trợ, không ghi vào luật. Ưu đãi, chế độ đặc thù thì được nhưng đặc quyền, đặc lợi thì không nên", ông Định góp ý.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu việc miễn học phí cho con nhà giáo đang trong thời gian công tác chỉ áp dụng được trong các trường công lập, rất khó áp dụng với cơ sở tư thục. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ. Bên cạnh đó, cần làm rõ các điều kiện đảm bảo cho các chính sách tiền lương, phụ cấp và chính sách hỗ trợ với nhà giáo.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ riêng chính sách miễn học phí cho con nhà giáo mỗi năm cần hơn 9.200 tỉ đồng. "Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để bố trí chi hằng năm. Phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác" - ông Trần Thanh Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đây là luật được ngành giáo dục quan tâm nhưng lại là luật khó, nội dung tác động lớn và phức tạp. Do đó đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT hết sức quan tâm và cần khẩn trương, thận trọng, kỹ lưỡng.

Trao đổi với báo chí, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) không đồng tình với đề xuất trên. Theo ông, nhà giáo là viên chức, không thể có quá nhiều "đặc quyền, đặc lợi" so với những đối tượng viên chức khác. Do đời sống gặp khó khăn, lương nhà giáo đang được đề xuất xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo cũng được những chế độ phụ cấp nghề nghiệp hơn những viên chức khác. Nếu đi dạy xa, giáo viên có thể còn được ở nhà công vụ.

“Việc tăng lương, thậm chí phải tăng rất cao cho giáo viên là đúng, nhưng không nên miễn phí bất kỳ thứ gì, kể cả học phí cho con em giáo viên. Chúng ta không thể chuyển sự không công bằng này thành sự không công bằng khác. Trong một xã hội thì ngành nghề chính đáng nào cũng cần được trân trọng và ưu tiên như nhau…”, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Bày tỏ quan điểm với đề xuất của Bộ GD&ĐT, nhiều ý kiến trong dư luận thể hiện thái độ không đồng tình. Độc giả Trần Hạnh cho biết: “Sắp tới, giáo viên sẽ được xếp bậc lương cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Điều đó thể hiện sự tri ân, trân trọng đặc biệt với nghề giáo, vì thế không nên áp dụng chính sách miễn học phí cho con giáo viên. Nghề giáo cũng là công việc lao động mưu sinh như các nghề khác và có thu nhập. Bởi thế, con em nghề khác đi học phải nộp phí thì con em giáo viên cũng nên như vậy”.

“Nếu con giáo viên được miễn học phí thì con y bác sỹ cũng phải được miễn viện phí và dịch vụ y tế; con em ngành điện không phải đóng tiền điện… Giả sử ngành nghề nào cũng đưa ra những đề xuất về quyền lợi mang tính chất nội bộ sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định của xã hội”, bạn đọc Nguyễn Đăng Dũng thẳng thắn nói.

Bạn đọc Trương Kim Ngân chia sẻ: Mỗi người một nghề, nghề nào cũng vất vả như nhau. Ai cũng phải làm việc để sống, vì vậy không nên thực thi những chính sách như vậy để bảo đảm tính công bằng”.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Nghề giáo là một ngành nghề có tính đặc thù.
Nghề giáo là một ngành nghề có tính đặc thù.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: nếu một nhà giáo hoạt động nghề nghiệp theo đúng nghĩa, đó là giành toàn tâm toàn ý cho công tác dạy học, sát sao với sự phát triển của học trò, luôn giữ mối liên hệ trao đổi với gia đình học sinh; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, thì việc Nhà nước giành ưu ái cho đóng góp của nhà giáo thông qua việc miễn học phí cho con ruột của họ là điều nên làm.

“Việc miễn học phí cho con giáo viên thể hiện sự quan tâm, sự tri ân, sự tôn vinh của xã hội đối với nghề giáo và cũng tạo điều kiện để nhà giáo tập trung dạy tốt, nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, việc miễn học phí cho con giáo viên là rất xứng đáng”, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

“Tôi ủng hộ đề xuất miễn học phí cho con giáo viên vì nó có ý nghĩa lớn trong việc động viên tinh thần nhà giáo, góp phần thu hút nhân lực vào ngành giáo dục. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng về cách thực hiện sao cho hợp lý, không gây mất cân đối ngân sách và bảo đảm công bằng xã hội”, cán bộ quản lý tại một trường THCS thuộc quận Cầu Giấy nêu quan điểm.

“Nếu đề xuất trên được thực hiện sẽ là một điều rất tốt; thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với người làm công tác giảng dạy. Hiện, ngành công an, quân đội có cơ chế đặc thù trong việc cộng điểm cho đối tượng là con công an, bộ đội thi tuyển vào ngành và một số chính sách liên quan. Nếu ngành giáo dục có chính sách ưu tiên đặc thù cho con ruột giáo viên thì rất đáng quý và có ý nghĩa xã hội”, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) Hoàng Chí Sỹ chia sẻ.

Là một nhà giáo công tác hơn 10 năm, cô Nguyễn Phương Nga (quận Đống Đa, Hà Nội) xúc động và thấy biết ơn những nội dung trong Dự thảo Luật Nhà giáo vì tại đó chứa đựng nhiều chính sách nhân văn, là sự sẻ chia, thấu hiểu, trân trọng với nghề giáo và giúp nâng cao vị thế của nhà giáo. Tuy vậy, cô Nga hiểu rằng, kinh tế nước ta còn khó khăn; hơn nữa tiếp xúc với nhiều gia đình học sinh, cô thấy đúng là ngành nào cũng vất vả nên con em nhà giáo đi học thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ đóng học phí như các học sinh khác.

“Với tôi, nghề giáo là một ngành đặc thù; nhưng cũng là một trong hàng trăm, hàng nghìn ngành nghề trong xã hội. Viên chức giáo dục cũng hãy là viên chức bình thường và không nên tách nghề giáo ra hệ thống nghề nghiệp chung”, cô giáo Nguyễn Phương Nga bày tỏ.