Theo đó, Ủy ban Dân tộc đề nghị Bộ GD – ĐT xem xét, quyết định mở thêm 6 ngành đào tạo trình độ Đại học tại Học viện trong năm 2019 – 2020. Cụ thể gồm: Ngành Quản lý công (chuyên ngành Quản lý nhà nước về công tác dân tộc); ngành công tác xã hội vùng dân tộc thiểu số; ngành kinh tế học; ngành quản trị du lịch nông thôn; ngành ngôn ngữ dân tộc thiểu số, ngành Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Phan Văn Hùng, việc đề xuất mở thêm 6 ngành học trên nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó là phù hợp với các Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT có liên quan đến điều kiện, thủ tục, trình tự mở ngành đào tạo trình độ Đại học.
Học viện Dân tộc được thành lập theo Quyết định số 1562/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc Ủy ban Dân tộc, trên cơ sở tổ chức lại Viện Dân tộc và Trường Cán bộ Dân tộc. Hiện, Học viện có 5 khoa chuyên môn và nhiều đơn vị khối sự nghiệp như: Viện Chiến lược và chính sách dân tộc, Viện Nghiên cứu văn hóa dân tộc, Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc…