Đề xuất mức xử phạt cao hơn để đủ răn đe với vi phạm xả thải

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cần tham mưu cơ quan quản lý Nhà nước tăng tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ môi trường, đề xuất mức phạt cao hơn nếu thấy chưa đủ sức răn đe với các vi phạm”-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nêu rõ.

Thực hiện kế hoạch giám sát chuyên đề “thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP Hà Nội”, chiều nay, 29/8, Đoàn giám sát của HĐND TP do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đã tiến hành giám sát tại Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội.

Nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ

Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho hay, Công ty được giao thực hiện 6 gói thầu quản lý, duy trì hệ thống thoát nước và 2 gói thầu quản lý, vận hành, bảo dưỡng trạm xử lý nước thải. Là đơn vị thoát nước chủ lực quản lý 80% hệ thống thoát nước đô thị của TP, Công ty thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đấu nối thoát nước của các công trình/dự án vào hệ thống thoát nước TP nhằm đảm bảo việc đấu nối thực hiện theo đúng quy định của TP tại Quyết định 41/2017/QĐ UBND ngày 6/12/2017.

Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn khảo sát thực tế tại Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước - Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội
Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn khảo sát thực tế tại Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước - Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội

Tuy nhiên, khó khăn nổi bật là một số dự án đã hoàn thành thi công chưa được thanh thải, bàn giao, tiếp nhận đưa vào quản lý khai thác sử dụng nên chưa phát huy hiệu quả đầu tư. Công ty thống kê hiện có 96 hạng mục thoát nước của các công trình/dự án đóng vai trò quan trọng trong công tác thoát nước và vệ sinh môi trường nhưng chưa được bàn giao sang Sở Xây dựng và Công ty quản lý, trong đó 22 hạng mục công trình thoát nước thuộc dự án Thoát nước Hà Nội nhằm cải thiện môi trường Hà Nội đã thi công xong và sử dụng từ những năm 2013-2016 nhưng chưa hoàn thành bàn giao về đơn vị thoát nước quản lý. Cùng đó, hệ thống thoát nước một số khu vực phố cổ, phố cũ được xây dựng từ trước năm 1954 đã xuống cấp tiềm ẩn xảy ra lún sụt mất an toàn, trên hệ thống tồn tại một số vị trí công trình ngầm khác cắt ngang làm thu hẹp dòng chảy, giảm khả năng thoát nước. Nhất là tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi các công trình HTKT đầu mối, hệ thống thoát nước mưa chưa được xây dựng hoặc hoàn thành; đầu tư khu đô thị chưa chú trọng xây dựng đồng bộ hạ tầng thoát nước, hồ điều hòa, cây xanh thảm cỏ và sử dụng vật liệu, kết cấu vỉa hè tăng khả năng thấm, bổ sung nguồn nước ngầm, gây quá tải hệ thống thoát nước đô thị…

Để thực hiện tốt công tác thoát nước, Công ty đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành chủ trì phối hợp UBND quận/huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc tồn tại trong công tác chuyển giao quản lý hạ tầng thoát nước theo phân cấp tại Quyết định 14/2021/QĐ-UBND ngày 6/9/2021; chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính thanh toán công nợ năm 2019 cho Công đảm bảo nguồn lực công tác phòng chống úng ngập. Đồng thời, chỉ đạo sớm nạo vét, bổ cập nước Hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ; tạo dòng chảy động, đảm bảo VSMT tuyến sông Tô Lịch. Các sở, ngành sớm tháo gỡ khó khăn trong bàn giao các hạng mục thoát nước đã hoàn thành nhưng thời gian bàn giao kéo dài do chưa thanh thải lòng cống để đưa vào vận hành, khai thác kịp thời phục vụ thoát nước mùa mưa 2022 và tiếp theo, nhất là các hạng mục của dự án cống hóa các tuyến mương theo dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 2. TP cũng cần chỉ đạo UBND quận, huyện phối hợp Sở Xây dựng, Ban Duy tu các công trình HTKT đô thị và Công ty thoát nước Hà Nội rà soát các tuyến thoát nước chưa nằm trong danh mục tuyến do TP quản lý trình UBND TP làm cơ sở triển khai thực hiện...

Các thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến tại cuộc làm việc
Các thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến tại cuộc làm việc

Nhìn thẳng vào những tồn tại, nâng cao trách nhiệm

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đóng góp vào kết quả công tác thoát nước, xử lý nước thải của TP, song cũng đề nghị lãnh đạo Công ty và các đơn vị liên quan trao đổi về hướng tháo gỡ một số bất cập hiện nay.
Cụ thể, Công ty là đơn vị đứng đầu cả nước về thoát nước nhưng còn ít tham gia xử lý nước thải, nhiều trạm xử lý nước thải của TP không thấy vai trò của đơn vị. Làm rõ vai trò của đơn vị trong xử lý nước thải tại các khu đô thị, trong tiêu thoát nước gắn với tưới tiêu cho nông nghiệp. Đồng thời, các ý kiến đề nghị đánh giá đầy đủ các vấn đề: Ngoài khu vực nội đô lịch sử thì tại các khu vực mới, công tác tách nước thải và nước mưa hiện thực hiện như thế nào; việc xã hội hóa đầu tư; hiệu quả giải quyết ngập úng mang tính lâu dài ở các điểm trên địa bàn Công ty quản lý. Các ý kiến cũng đề cập đến viêch liên quan đến quy hoạch xử lý bùn thải khi tình trạng xả trộm bùn thải còn phổ biến ở các công ty dịch vụ tư nhân…

Đáng chú ý, chia sẻ với vất vả của đội ngũ CBCNV Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức- Ủy viên Ban Đô thị HĐND TP cho rằng, cần có cái nhìn toàn diện hơn về trách nhiệm các sở, ngành liên quan lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải tại TP cũng như giải quyết vấn đề cơ chế chính sách một cách thấu đáo. Với địa bàn TP rất rộng nhưng chỉ có Công ty chịu trách nhiệm chính việc thoát nước, cần xác định rõ trách nhiệm các sở, ngành đến đâu; TP rà soát các vấn đề đang “tắc” và sẽ đặt hàng với Công ty bằng các gói cụ thể. Với nạn đổ trộm phế thải, cần quy rõ trách nhiệm của quận/huyện và của Công ty; riêng ô nhiễm do dầu mỡ từ các gia đình thải ra cần có một quy định để xử lý thì DN mới có thẩm quyền giải quyết. Hơn nữa, Công ty là DN hoạt động công ích, vấn đề tài chính có bất cập do định mức không được cập nhật đúng và đủ, chậm thanh toán… ảnh hưởng đời sống CBCNV trong khi đang rất vất vả, nên cần có chính sách ưu đãi đặc biệt giúp đảm bảo đời sống cho họ.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội trao đổi ý kiến
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội trao đổi ý kiến

Kết luận giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đánh giá: Khối lượng công việc thoát nước, xử lý nước thải Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội được giao thực hiện rất lớn, với nhiều khó khăn của một DN hoạt động công ích, Công ty đã cố gắng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, trong đó có những công việc đặc thù mà chỉ DN ở Hà Nội phải đảm nhiệm; thực hiện được phần mềm quản lý, vận hành công tác thoát nước và xử lý nước thải...

Nhấn mạnh công tác thoát nước và giải quyết ô nhiễm môi trường được TP rất quan tâm chỉ đạo, đề nghị Công ty nhìn thẳng vào những tồn tại trong đó có những tồn tại chủ quan, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP lưu ý: Công ty là DN Nhà nước có nhiều kinh nghiệm quản lý, duy tu, duy trì hệ thống thoát nước của TP, cần tiếp tục thực hiện duy trì vận hành tốt các trạm xử lý nước thải theo quy trình, đảm bảo an toàn, chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn; thực hiện nhiệm vụ linh hoạt hơn, để có thêm nguồn thu đảm bảo đời sống CBCNV. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành trên địa bàn được giao quản lý; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý địa bàn tăng kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý khắc phục sự cố thoát nước; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị đảm bảo thay thế, cải tạo ngay nhằm khắc phục các ga, cống, rãnh hư hỏng sập, tắc, khả năng thu nước kém, đảm bảo ATGT, mương thoát nước…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà kết luận cuộc giám sát
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà kết luận cuộc giám sát

“Cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện giải tỏa, chống lấn chiếm hồ, mương, sông, không để lấn chiếm phát sinh, kể cả tại các khu đô thị cũ hay mới. Quá trình đó cần tham mưu các cơ quan quản lý nhà nước tăng tuyên truyền cho người dân để nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường, hạn chế đổ trộm bùn thải ra cống rãnh; tăng ứng dụng CNTT trong quản lý, đề xuất mức xử phạt cao hơn nếu thấy chưa đủ sức răn đe với các vi phạm”- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP nêu rõ.

Lưu ý các sở, ngành liên quan hoàn thiện báo cáo rõ trách nhiệm của mình, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP cũng đề nghị: Sở Xây dựng chủ trì phối hợp Công ty tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện thoát nước; tham mưu UBND TP đôn đốc đảm bảo tiến độ các dự án thoát nước, xử lý nước thải theo Quy hoạch Thoát nước Thủ đô; Ban QLDA ĐTXD công trình hạ tầng kỹ thuật và nông thôn TP khẩn trương đẩy nhanh hoàn thành các công trình thoát nước và xử lý nước thải đang thực hiện…