Sáng nay (27/4), Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”, dưới sự chủ trì của Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Mai Văn Chính và Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Dự tại điểm cầu TP Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh Hội nghị tại Bộ Nội vụ |
Trình bày báo cáo của Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Công chức-Viên chức Trương Hải Long cho hay, 3 năm qua, việc thực hiện Đề án ở phần lớn cơ quan T.Ư và các tỉnh, TP được chọn thí điểm đã được triển khai khẩn trương, tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ; đạt kết quả bước đầu. Trong số 14 cơ quan T.Ư thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án, đến nay có 12 cơ quan tổ chức thi tuyển 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên; cấp phòng 10 ứng viên). Có 17/22 địa phương thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, từ đó có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên, cấp phòng 335 ứng viên)… Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án còn một số hạn chế, như chuẩn bị và chỉ đạo về nội dung thi tuyển chưa đầy đủ và có những điểm chưa cụ thể; phối hợp hoạt động giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án có lúc chưa chặt chẽ. Cùng đó, thời gian thực hiện kéo dài ảnh hưởng đến các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị; chưa kết hợp chặt chẽ việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý với việc xây dựng vị trí việc làm (VTVL) tại cơ quan, đơn vị; việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý chưa thu hút nhiều cán bộ, công chức (CBCC) tham gia…
Tại hội nghị, 14 ý kiến tham luận từ Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, TP Hải Phòng, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh… đã tập trung đánh giá kết quả đạt được, đề xuất kiến nghị tháo gỡ một số vướng mắc để tiếp tục thực hiện Đề án đạt kết quả tốt hơn. Trong đó, ghi nhận ở khối T.Ư có Ban Tổ chức T.Ư, các Bộ Nội vụ, GTVT…; khối địa phương có các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, TP Đà Nẵng… thực hiện tốt. Việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cơ bản đạt được mục đích của Đề án là phát hiện, thu hút, tận dụng người có đức có tài, phát huy phẩm chất đạo đức, năng lực kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho phát triển tổ chức, cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng lãnh đạo, quản lý tại các vị trí; giúp chọn người bố trí theo đúng VTVL, trong đó chọn được người tốt nhất trong những người đủ tiêu chuẩn điều kiện…
Dù vậy, các đại biểu chỉ ra còn một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện này, từ đó đề nghị có thiết kế nội dung, hình thức thi tuyển cho phù hợp; quy định rõ hơn về tiêu chuẩn, cơ cấu của hội đồng thi tuyển; rút gọn quy trình thi tuyển; có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo tổ chức thi tuyển nghiêm túc… Nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét nhân rộng việc thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển tại các bộ, ngành, địa phương, trong đó xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu 50% vị trí lãnh đạo, quản lý khi bổ nhiệm phải thực hiện thông qua thi tuyển.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì tại điểm cầu TP Hà Nội |
Phát biểu tại đây, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Mai Văn Chính nhấn mạnh, các ý kiến rất xác đáng; Ban Tổ chức T.Ư và Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu đầy đủ, nhất là về khó khăn vướng mắc, đề xuất, nhằm để hoàn thiện Đề án. Đây là chủ trương đúng, phù hợp đòi hỏi thực tiễn hiện nay, nên đồng ý với đề xuất tới đây tiếp tục cho thí điểm và mở rộng cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý này. Ghi nhận kiến nghị của các bộ, địa phương, đồng chí cũng cho hay, Ban Tổ chức T.Ư phối hợp với Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án về danh mục VTVL và sắp tới sẽ có mô tả, xây dựng khung năng lực của VTVL.
“Sau này, thiếu vị trí nào sẽ tổ chức thi tuyển vào vị trí đó đúng theo mô tả và khung năng lực của VTVL; đồng thời sẽ có một số tiêu chí một cách toàn diện hơn, để đảm bảo một người thi vào chức danh lãnh đạo không chỉ có năng lực chuyên môn mà phải có cả năng lực, kỹ năng về lãnh đạo; làm việc trong môi trường quốc tế thì phải giỏi ngoại ngữ… Những yêu cầu đó sẽ được bổ sung, hoàn thiện dần. Thi tuyển để bổ nhiệm chỉ là 1 trong 7 khâu của công tác cán bộ, nên quan trọng là làm sao nâng cao chất lượng từng khâu, với mục đích cuối cùng là xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, uy tín, năng lực đảm nhiệm được công việc được giao trong tình hình hội nhập quốc tế sâu rộng”- Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nêu rõ.
Kết luận Hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, việc thí điểm chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, ngành thông qua thi tuyển là chủ trương đúng đắn của Đảng, cần tiếp tục được thực hiện thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước. Qua gần 3 năm thực hiện việc thi tuyển này ở các cơ quan T.Ư và tỉnh, TP cho thấy, những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý đều thực sự có đức, có tài, góp phần làm chuyển biến mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị người đó lãnh đạo, quản lý; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đây là căn cứ thực tiễn rất quan trọng để khẳng định chủ trương của Đảng là đúng đắn.
“Tiếp thu các ý kiến, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp Ban tổ chức T.Ư hoàn thiện báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án, theo hướng tiếp tục đề nghị tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và sẽ tổ chức tổng kết Đề án vào cuối năm 2022. Các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục rà soát những chức danh dự kiến tổ chức thi tuyển sắp tới; tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện với những chức danh cụ thể và xây dựng kế hoạch cho từng năm để trình lãnh đạo bộ, địa phương. Với 2 bộ và 5 địa phương thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án này nhưng chưa triển khai, đề nghị tiến hành ngay trong năm 2020; khi có kết luận mới của Ban Bí thư, Bộ Chính trị thì chúng tôi sẽ kịp thời có hướng dẫn để triển khai thí điểm rộng rãi hơn. Sau đây, Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức T.Ư tiếp tục sà soát mọi hướng dẫn cho phù hợp điều kiện mới, sau khi có kết luận của Ban Bí thư và Bộ Chính trị, để ngày càng hoàn thiện hơn về thể chế. Đó cũng là một trong những kinh nghiệm để Bộ Nội vụ nghiên cứu, bổ sung trong các nghị định, thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện Luật CBCC, Luật Viên chức thời gian tới” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.