Giảm điều kiện còn 3 tháng để tránh “bán non sổ BHXH”
Trong giai đoạn 2016 – 2021, cả nước có 4.085.317 người lao động đề nghị và được hưởng BHXH một lần. Trung bình mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.
Trong giai đoạn này, tổng số người tham gia BHXH tăng mới là 4.256.295, trong đó có 4.058.317 người hưởng BHXH một lần, tương đương tỷ lệ 1,048 người tham gia mới có 1 người dời khỏi hệ thống BHXH. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực phát triển số người tham gia, mở rộng diện bao phủ và mục tiêu tiến tới BHXH toàn dân của Đảng và Nhà nước.
Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án về BHXH một lần của người lao động: Phương án 1, giữ nguyên như quy định hiện hành của Luật BHXH 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội; Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam cho rằng, với 2 phương án về BHXH một lần mà Bộ LĐTB&XH đề xuất, cần phải nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, bởi điều chỉnh này rất nhạy cảm. Phương án 2, nếu người lao động yêu cầu thì vẫn được giải quyết một phần (tối đa 50%) thì phần đông người lao động cho rằng sẽ là bất lợi với họ…
Theo TLĐLĐ Việt Nam, với cả 2 phương án đều áp dụng điều kiện “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện” mới cho người lao động hưởng BHXH một lần là không phù hợp với mục đích và bản chất của BHXH một lần. Bởi vì, BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH; đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận người lao động mất việc làm, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo duy trì cuộc sống. “Tình trạng “bán non sổ BHXH” cũng như tín dụng đen vừa qua cũng xuất phát từ quy định trên. Vì vậy, đề nghị xem xét để giảm điều kiện về thời gian từ 12 tháng xuống mức khoảng 3 tháng” – TLĐLĐ Việt Nam đề nghị.
Tăng quyền lợi cho người lao động ở lại hệ thống BHXH
Đề xuất được rút BHXH một lần sau 3 tháng nghỉ việc của TLĐLĐ Việt Nam nhận được sự đồng tình của nhiều công nhân lao động. Bởi khi người lao động gặp khó khăn, không còn nguồn tiền nào khác mới phải nghĩ đến rút BHXH một lần. Còn người lao động phải chờ tới 12 tháng mới được rút BHXH một lần thì lâu quá. Người lao động được rút BHXH một lần sau 3 tháng nghỉ việc thì không phải đi vay tiền tín dụng đen với lãi suất quá cao, thậm chí “bán non sổ BHXH”.
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia BHXH băn khoăn, chúng ta đang hạn chế rút BHXH một lần, khuyến khích những người lao động ở lại hệ thống để hết tuổi lao động sẽ có lương hưu. TLĐLĐ Việt Nam lại đề xuất giảm điều kiện hưởng BHXH một lần từ 12 tháng xuống 3 tháng nghỉ việc thì vô hình trung cổ súy cho người lao động nhận BHXH một lần, như thế rất nguy hiểm. Vì thế, khi Tổng Liên đoàn đề nghị giảm điều kiện về thời gian để hưởng BHXH một lần thì cần cân nhắc các yếu tố…
Về vấn đề này, trên quan điểm của người lao động, anh Nguyễn Hoàng Long là Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam cho rằng, người lao động nào đó muốn rút BHXH một lần thì đã có định hướng cho tương lai; họ cần tiền ngay để thực hiện kế hoạch kinh doanh hoặc điều trị bệnh cho bản thân, người nhà. Còn những công nhân viên không có ý định rút BHXH một lần thì dù điều kiện rút BHXH một lần rất dễ cũng không làm. Hơn nữa, Bộ LĐTB&XH đang đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm để được nhận lương hưu cũng là cách thu hút, giữ người lao động ở lại hệ thống.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, trước đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động. Trong đó, đưa ra quy định trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người lao động tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH 1 lần. Quy định này là để hạn chế rút BHXH một lần. Bây giờ cần tổng kết Nghị quyết, đánh giá lại về số người lao động đã đề nghị và được hưởng BHXH một lần, những lý do rút,…
“Dựa trên cơ sở nào TLĐLĐ Việt Nam lại đề xuất giảm điều kiện thời gian xuống còn 3 tháng? Tại sao Tổng Liên đoàn không đề xuất cho người lao động rút ngay khi chấm dứt hợp đồng lao động?”, là câu hỏi được ông Phạm Minh Huân đặt ra.
Các chuyên gia lao động cho rằng, để thu hút và giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH thì cần tăng quyền lợi cũng như tạo môi trường làm việc ổn định. Bên cạnh đó, là tăng cường tuyên truyền cho người lao động thấy được tác dụng của chính sách BHXH để đảm bảo chính sách an sinh xã hội, khi về già có lương hưu đảm bảo cuộc sống.