Hà Nội:

Đề xuất sớm có hướng dẫn để triển khai chuyển đổi số đảm bảo thống nhất

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm tham mưu ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn xây dựng, mô hình triển khai chương trình Chuyển đổi số để địa phương có cơ sở thực hiện.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu TP Hà Nội.
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu TP Hà Nội.

Sáng 27/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số để đánh giá kết quả thực hiện quý I năm 2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong quý II năm 2022 và thời gian tới.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với các điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu TP Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, Hà Nội đã chủ động xây dựng dự thảo Chương trình Chuyển đổi số của TP, tổ chức xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan và các đơn vị nội bộ.

Đến nay, TP đã phê duyệt Chương trình và đang tổ chức triển khai thực hiện với mục tiêu Hà Nội thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng.

Trên cơ sở nội dung Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Hà Nội cũng đang xây dựng dự thảo Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch "Phát triển kinh tế số và xã hội số thành phố Hà Nội đến năm 2025" và một số kế hoạch triển khai nhiệm vụ cụ thể theo hướng dẫn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp. 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp. 

Đối với nhiệm vụ trọng tâm về triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là đơn vị triển khai thí điểm thực hiện Đề án. Theo đó, TP đã ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm. Ban Chỉ đạo Đề án 06 của TP đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được giao, hợp thường xuyên hàng tuần để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Hiện tại, TP đã phối hợp C06 (Bộ Công an) hoàn thành kết nối trên môi trường thử nghiệm giữa hệ thống DVCTT thử nghiệm với CSDL quốc gia về Dân cư và đã hoàn thành thủ tục gửi Bộ Công an về cấp tài khoản kết nối chính thức, phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong CSDL quốc gia về Dân cư.

Về tình hình triển khai 25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội đã đạt 17/25 DVC mức độ 3, mức độ 4 (đạt 68%). Cụ thể, đối với 14/25 DVC thực hiện trong tháng 3/2022, đã hoàn thành cung cấp 14/14 DVC thiết yếu mức độ 3, mức độ 4 (đạt 100%) trong đó 11/14 dịch vụ công thiết yếu đã kết nối và chia sẻ với CSDLQG về dân cư theo đúng lộ trình tại Đề án số 06; 03/14 dịch vụ công thiết yếu (đăng ký khai sinh – đăng ký khai tử - đăng ký kết hôn) đã thực hiện cung cấp mức độ 3 trên Cổng DVC TP, đang chờ kết nối và chia sẻ với CSDLQG về dân cư.

Đối với 11/25 DVC thực hiện trong tháng 5/2022, đến nay 3/11 DVCTT đã đạt mức độ 4 theo lộ trình của Đề án 06. Hiện TP Hà Nội đã góp ý và phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện tái cấu trúc quy trình với các DVCTT còn lại, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng kết nối theo chỉ đạo vào tháng 5/2022.

Về những đề xuất, kiến nghị, theo Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm tham mưu ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn xây dựng, mô hình triển khai chương trình Chuyển đổi số để địa phương có cơ sở thực hiện.

Hiện tại việc triển khai công tác chuyển đổi số cấp tỉnh được Bộ TT&TT hướng dẫn rất tích cực, ban hành nhiều văn bản. Tuy nhiên, để đảm bảo tính tổng thể, thống nhất, đề nghị Bộ TT&TT hướng dẫn cụ thể về lộ trình triển khai thực hiện để các địa phương có cơ sở thực hiện đảm bảo tính khoa học, tránh trùng lặp.

Về kinh tế số, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, TP đã dự thảo Kế hoạch và xin ý kiến các cơ quan chuyên môn của Bộ TT&TT, các Hiệp, Hội, các doanh nghiệp CNTT, bưu chính, viễn thông; Ban chỉ đạo Chuyển đổi số TP. Tuy nhiên, hiện nay, khái niệm về kinh tế số còn chưa thống nhất. Do đó, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, thống nhất hướng dẫn các địa phương triển khai về kinh tế số đảm bảo thống nhất, đúng quy định và khả thi.

 

Báo cáo của Bộ TT&TT cho biết, đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Theo ước tính, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%. Số DN công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 02/2022 đạt 65.329 DN, tăng 487 DN so với năm 2021.

Thời gian qua, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban.