Đề xuất tăng biên chế giáo viên tiếng Anh trong trường công lập

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/3, tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT Hà Nội về việc liên kết ngoại ngữ (tiếng Anh) trong các trường học công lập trên địa bàn TP, ông Trần Thế Cương - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cho biết, đoàn khảo sát của Ban Văn hoá - Xã hội đã triển khai khảo sát trên 4 quận huyện, cho thấy, chất lượng ngoại ngữ của học sinh được nâng lên rõ rệt.

Theo đánh giá của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, thông qua chương trình liên kết trên cơ sở bổ trợ chương trình chính khóa, số lượng học sinh đoạt giải TP và quốc gia ngày càng tăng. Đội ngũ giáo viên bản ngữ, giáo viên tiếng Anh của nhà trường có sự tương tác tốt, hỗ trợ nhau về chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy. Các trung tâm ngoại ngữ có đội ngũ chuyên môn cao, giáo viên bản ngữ có trình độ sư phạm. Việc liên kết thực hiện đúng quy định của Sở GD-ĐT.
Ông Trần Thế Cương - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn có một số hạn chế như: Khó khăn sắp xếp thời khóa biểu học tiếng Anh liên kết với quy định học ngoài giờ chính khóa trong khi số lớp đăng ký học chương trình liên kết quá đông, không thể sắp xếp hết vào ngoài giờ; Chỉ tiêu biên chế giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế; Chất lượng giáo viên tiếng Anh còn hạn chế, chưa tuyển đủ, phải ký hợp đồng nhưng không ổn định. Ban Văn hóa - Xã hội hoàn toàn đồng tình trong việc đề xuất tăng biên chế giáo viên tiếng Anh trong trường công lập nhằm thực hiện được Kế hoạch 90/KH-UBND ngày 21/6/2012.
Bên cạnh đó là, giáo trình tự biên soạn, mỗi nơi một kiểu. Kiểm định chất lượng cách thức kiểm tra, đánh giá cũng như chất lượng giáo viên chưa được thực hiện đúng yêu cầu. Giáo viên bản ngữ chưa ổn định. Giáo viên trợ giảng có khi thay thế giáo viên bản ngữ, liên quan đến vấn đề chi trả lương. Trang thiết bị dạy học ở một số huyện ngoại thành còn thiếu. Một số trung tâm đầu tư cơ sở vật chất nhưng đại đa số các trường phải tự đầu tư hoặc xã hội hóa. Mức thu học phí có nguyên nhân khách quan nhưng có nhiều mức chênh lệch, phần trăm trích lại khác nhau khiến phụ huynh dễ thắc mắc.
Về kiến nghị đề xuất, ông Trần Thế Cương cho biết, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ đồng hành trong việc tiếp tục triển khai chương trình liên kết, sẽ đề xuất lên HĐND, UBND TP tăng biên chế giáo viên giảng dạy tiếng Anh trong trường công lập.
“Đối với các trung tâm cần đề xuất tăng thời hạn lao động. Đề xuất mức phí cho 2 mức đại trà và nâng cao. Nếu không định hướng thì sẽ xảy ra trăm hoa đua nở. Bên cạnh đó, đề nghị quy rõ trách nhiệm hiệu trưởng các trường trong công tác liên kết dạy tiếng Anh. Các cơ quan quản lý, Sở GD-ĐT tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo chương trình đạt yêu cầu đề ra” - ông Cương nhấn mạnh.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, việc triển khai chương trình liên kết dạy tiếng Anh bao gồm trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm quản trị nhà trường. Về quản lý Nhà nước, Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm về thẩm định chương trình. “Về quản trị nhà trường, hiệu trưởng phải cam kết chất lượng với phụ huynh. Đây là trách nhiệm của hiệu trưởng, hiệu trưởng nào không đủ năng lực quản lý thì không khuyến khích triển khai liên kết dạy tiếng Anh” - ông Độ khẳng định.
Ông Độ cũng cho biết, yêu cầu khi xây dựng đề án liên kết bao gồm 4 nội dung bắt buộc: Chuẩn đầu ra là gì, nội dung đáp ứng chuẩn đầu ra, phương pháp dạy học và nội dung chương trình, phương pháp kiểm tra đánh giá. “Khó khăn về đội ngũ, đã đề xuất khá lâu với TP nếu muốn triển khai 4 tiết tiếng Anh/tuần thì cần điều chỉnh chỉ tiêu 1,8 giáo viên/buổi, nhu cầu giáo viên sẽ rất lớn. Tuy nhiên khi triển khai liên kết dạy ngoại ngữ thì vẫn bảo đảm chuẩn đầu ra, khắc phục khó khăn về thiếu giáo viên tiếng Anh biên chế” - ông Độ nhấn mạnh.