Thế nhưng, câu chuyện đề xuất tăng lương vẫn chưa có hồi kết, bởi chủ sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) không thống nhất với nhau về mức sống tối thiểu.
Nhiều điểm chưa thống nhất
Mặc dù đã đồng ý thông qua mức 12,4%, nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) - giới chủ đại diện cho NLĐ lại có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thấp nhất là 14,4%, tương đương với mức năm 2015, bởi 4 lý do. Trong đó, TLĐ nhấn mạnh khảo sát có tới 62% NLĐ Việt Nam phải làm thêm giờ để có thu nhập và trang trải cuộc sống. Như thế, NLĐ không có thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, học tập, nâng cao trình độ theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về xây dựng Giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước. Và với mức tăng lương 12,4% sẽ không thể đảm bảo để thực hiện Điều 91 Luật Lao động quy định mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị sáng qua (14/10), ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, TLĐ cho biết: "Theo phân tích của chúng tôi, hiện mức lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu 22%. Nếu đề xuất tăng 12,4% năm 2016 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia được Chính phủ chấp nhận thì mới chỉ giải quyết được 5 - 6% mức sống tối thiểu. Có nghĩa là còn 16%, nếu lộ trình đến năm 2017 chúng ta phải giải quyết xong, trong năm này phải giải quyết mức gánh rất lớn".
Không đồng tình với kiến nghị tăng 14,4% của TLĐ, ông Phùng Quang Huy - Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia bỏ phiếu chốt mức tăng 12,4% thì 2 bên phải tuân thủ. Đây cũng là cách thực hiện những định chế và nội quy hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Cách làm hiện nay mới giải quyết phần ngọn.
Trong khi đó, TLĐ lại không đồng tình với việc VCCI đề xuất kéo dài thực hiện mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ vào năm 2020. Bởi Điều 91 của Luật Lao động có hiệu lực từ năm 2013, kéo dài đến năm 2017 là quá chậm.
Cần sự hiệp thương
Không đồng tình với ý kiến của VCCI về mức sống tối thiểu, ông Vũ Quang Thọ giải thích: Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã giúp Hội đồng tiền lương Quốc gia công bố mức sống tối thiểu của người Việt Nam, năng lượng lấy ra từ lương. Đây được xem là nguồn có tính chất pháp lý và thống nhất để tính mức sống tối thiểu. Bộ LĐTB&XH và TLĐ đều dựa vào đây để khảo sát và đưa ra những con số tương đối giống nhau về nhu cầu sống tối thiểu.
Trở lại việc VCCI đã bỏ phiếu thống nhất thông qua mức tăng lương 12,4%, nhưng các hiệp hội lại không đồng tình, ông Huy thừa nhận việc chưa mang tính tổng thể. Do đó, để cải thiện tình trạng này, tới đây, quá trình hiệp thương sẽ phải làm chặt chẽ hơn. Nhà nước cũng nên có những thông báo rộng rãi quy định tính đại diện của các bên.
Như vậy, với những ý kiến mà giới chủ sử dụng lao động và đại diện cho NLĐ đưa ra và dựa trên tình hình thực tế, rất có thể, năm 2017, Điều 91 của Luật Lao động sẽ không thực hiện được. Và kịch bản của ông Vũ Quang Thọ đưa ra sẽ là kéo dài tới năm 2018, thậm chí 2019. Nhưng một điều chắc chắn, khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), mức lương 12,4% nếu được thông qua sẽ góp phần làm tăng năng suất lao động. Còn cạnh tranh lao động sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không phải là đội ngũ nhân lực giá rẻ.
Người lao động làm việc tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Công Hùng
|