Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất tăng phí trông giữ xe khu trung tâm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một trong các nguyên nhân gây UTGT hiện nay là tình trạng đỗ, dừng xe tùy tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, thậm chí đỗ xe tại ngã ba, ngã tư.

Do đó, việc tăng phí trông giữ xe tại các quận trung tâm, kết hợp với kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm đỗ, dừng sai quy định sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm UTGT cho thành phố.
 
 

Mức phí trông giữ xe không còn phù hợp

Nếu ai thường xuyên vào trung tâm thành phố và phải gửi ô tô, xe máy sẽ có lần rơi vào hoàn cảnh vừa vào đến cửa đã bị đuổi ra, vì điểm trông giữ xe hết chỗ. Vì thế, các chủ phương tiện “tặc lưỡi” đỗ dừng bừa bãi trên vỉa hè, lòng đường.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng, với tình trạng đỗ xe dưới lòng đường tràn lan như hiện nay, việc dừng, đỗ xe là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến UTGT, do đó cần phải tăng phí trông giữ xe. Chẳng hạn, khi thu phí trông giữ xe quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm cao hơn gấp nhiều lần hiện nay, sẽ còn ít người lên đây chỉ để uống cà phê, ăn sáng nữa mà phải chuyển sang khu vực khác. Nếu thu phí trông xe "cào bằng" như hiện nay, không thể điều tiết được giao thông. Cũng theo ông Bình, biện pháp tăng cao phí trông xe ở trung tâm, giảm thấp hơn ở ngoài trung tâm sẽ thể hiện được yêu cầu điều hòa thu nhập của các thành phần trong xã hội. Tăng thu với những người này để lấy kinh phí đầu tư đường giao thông là hợp lý.

Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cũng cho rằng, mức phí trông giữ phương tiện theo quyết định năm 2006 không còn phù hợp, do đó đề nghị điều chỉnh mức phí trông giữ. Bên cạnh đó, đại tá Thùy cũng đề nghị tăng phí sử dụng hè phố, lòng đường làm điểm kinh doanh dịch vụ trông giữ xe bởi mức phí hiện tại (40.000 - 45.000 đồng/m2/tháng) so với thu nhập của các điểm trông giữ phương tiện là quá thấp.

Phải quản chặt các điểm gửi xe

Hôm nay, 7/12, HĐND TP Hà Nôi khai mạc Kỳ họp thứ 3 khóa XIV, tại kỳ họp này, UBND TP Hà Nội sẽ trình phương án tăng phí gửi xe theo từng khu vực. Có thể nói việc tăng phí trông giữ xe theo từng khu vực vào thời điểm này là việc nên làm với mục tiêu chính là chấm dứt tình trạng lộn xộn tại các điểm trông giữ, đồng thời góp phần vào việc giảm UTGT. Thành phố cho rằng tăng mức thu đối với trông giữ ô tô sẽ hạn chế một phần việc đỗ xe chây ỳ chiếm dụng diện tích, tiết giảm lưu lượng một cách hợp lý. Phí trông giữ sau khi bù đắp các chi phí trông giữ, nộp thuế sẽ phải điều tiết vào ngân sách qua việc thu phí sử dụng hè, lề đường để cải tạo sửa chữa hè, lề đường và tăng ngân sách.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, muốn áp dụng biện pháp điều tiết giao thông, phương tiện bằng giá vé gửi xe thì việc quy hoạch và quản lý các điểm trông giữ xe phải hết sức chặt chẽ. Phải xóa bỏ tình trạng các điểm gửi xe tư nhân, không phép đang mọc lên nhan nhản hiện nay. Ngay cả các điểm gửi xe do Nhà nước cấp phép cũng cần được quy hoạch hợp lý và giám sát tốt việc thu phí để tránh thất thoát, giảm hiệu quả điều tiết phương tiện. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là những người điều kiện kinh tế khó khăn nhưng vẫn phải vào trung tâm, hoặc những hộ dân thường trú, làm việc thường xuyên tại khu vực trung tâm sẽ gặp khó khi tăng phí trông giữ phương tiện. Do đó, khi xây dựng phương án, Thành phố sẽ tính toán phương án cụ thể, phù hợp.

Theo phương án điều chỉnh mức phí trông giữ xe: Tại 10 quận và huyện Từ Liêm, phí trông giữ xe máy sẽ là 3.000 - 5.000 đồng/ngày; 5.000 đồng/đêm. Phí trông giữ ô tô theo lượt (không quá 2 giờ) được dự kiến 20.000 - 40.000 đồng với xe dưới 10 chỗ ngồi và xe tải 2 tấn trở xuống. Xe từ 10 chỗ trở lên và xe tải trên 2 tấn mức phí đề xuất 25.000 - 50.000 đồng. Đối với xe trông giữ theo tháng, cao nhất là mức phí tại các bãi có mái che ở 4 quận nội thành cũ, trong đó xe dưới 10 chỗ ngồi là 1,2 - 1,6 triệu đồng. Tại một số tuyến phố bị hạn chế dừng, đỗ xe trong nội thành, mức phí lên tới 3 - 3,5 triệu đồng.