Đề xuất tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 40%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án Luật Tổ chức Quốc...

Kinhtedothi - Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), đồng thời bế mạc phiên họp thứ 30.

Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sau nhiều lần thảo luận đã được chỉnh lý theo hướng cụ thể hóa về thẩm quyền của Quốc hội trong việc bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức và chấp thuận xin từ chức của các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; quy định đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm, chủ thể có thẩm quyền đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, hệ quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm và việc từ chức. Đồng thời, bổ sung một điều mới quy định về thẩm quyền của UBTV Quốc hội trong việc đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy Nhà nước cho phù hợp với Hiến pháp; làm rõ thẩm quyền của UBTV Quốc hội trong việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, một điểm đáng lưu ý là Dự Luật đã quy định cụ thể chế độ lương, phụ cấp cho đại biểu (ĐB) hoạt động chuyên trách và các điều kiện bảo đảm cho ĐB.
 
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến tại phiên họp.     Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Liên quan đến quy định về ĐB Quốc hội, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị Dự Luật cần quy định tăng số lượng ĐB Quốc hội chuyên trách từ 35% lên 40%. Đồng thời, phân định rõ tính chất hoạt động của ĐB, thể hiện rõ trách nhiệm trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Cùng với đó, cần bổ sung thẩm quyền thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng của Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế được bổ sung thẩm quyền thẩm tra dự án luật, pháp lệnh về lĩnh vực đất đai...

Chiều cùng ngày, cho ý kiến về Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), nhiều ý kiến đồng tình với quy định cụ thể về đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công gồm: Thu, chi ngân sách Nhà nước các cấp; quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước; nguồn tài chính công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; các khoản nợ công; đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý; tài chính, tài sản công khác. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn: "Đây là các quy định cần thiết nhằm bao quát việc kiểm toán đối với tất cả các nguồn lực tài chính, tài sản công, nhất là trong điều kiện chưa có luật nào quy định một cách đầy đủ, toàn diện nhất về vấn đề tài chính, tài sản công".

Cùng với đó, một nội dung đáng lưu ý trong Dự Luật là trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, dự toán kinh phí của đơn vị được kiểm toán. Luật hiện hành chỉ quy định trách nhiệm gửi báo cáo tài chính hàng năm đối với đơn vị dự toán cấp I của ngân sách T.Ư, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước, chưa quy định trách nhiệm gửi báo cáo tài chính hàng năm đối với các đơn vị được kiểm toán khác. Hơn nữa, các văn bản về chế độ kế toán hiện hành chưa quy định về việc yêu cầu đơn vị được kiểm toán gửi báo cáo tài chính hàng năm cho Kiểm toán Nhà nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần