Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng: Người phát ngôn Chính phủ nói gì?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương của Chính phủ trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng đó là tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng "vàng hoá" trong nền kinh tế...

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam mới đây đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia và phát hành chứng chỉ vàng để huy động vàng trong dân cho đầu tư phát triển kinh tế. Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng, trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn.

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng vàng nhàn rỗi trong dân là nguồn lực kinh tế rất lớn, nếu không tận dụng sẽ lãng phí. Thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân. Đặc biệt, thông qua Sở giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trước đề xuất trên, hiện có hai luồng ý kiến: Đồng tình bởi cho rằng giúp huy động nguồn lực vàng trong dân (dự tính khoảng 500 tấn); ý kiến khác lại đánh giá việc này là kém khả thi và rủi ro cao, lo ngại sàn vàng nếu hình thành sẽ chỉ như “cái chợ” mua bán trung gian, tạo cơ hội cho các hoạt động đầu cơ, nguy cơ vàng hóa nền kinh tế. 

Trước các luồng dư luận trên, ngày 2/6, Người phát ngôn Chính phủ trả lời một số vấn đề dư luận quan tâm đã đưa ra quan điểm của Chính phủ về vấn đề này. 

Theo Người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, sau 4 năm Ngân hàng Nhà nước nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay thị trường vàng đang diễn biến ổn định, biến động của giá vàng không còn tác động lớn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, nhu cầu về vàng miếng đang ngày càng giảm.

Cùng với đó, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Hiện nay, quản lý hoạt động mua, bán vàng miếng đã đi vào nề nếp và cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo hướng tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng "vàng hoá" trong nền kinh tế, tạo tiền đề để tiếp tục chuyển hoá nguồn lực vàng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

"Tất cả các ý kiến đề xuất thành lập hay phản đối thành lập sàn vàng đều là những ý kiến để Ngân hàng Nhà nước phân tích, cân nhắc hết sức thận trọng trước khi đưa ra các biện pháp quản lý thị trường vàng theo đúng chủ trương của Chính phủ", Người phát ngôn của Chính phủ cho hay.