Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

HUY KHÁNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/10, tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục diễn ra “Hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức. Các chuyên gia trong và ngoài nước đã đề xuất rất nhiều giải pháp để khắc phục tác động của đại dịch Covid-19.

Trong khuôn khổ phiên 1 là hội thảo “Giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế đất nước”, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đại dịch Covid-19 gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho kinh tế trên cả nước, lần đầu tiên kinh tế TP tăng trưởng dưới 1,2% và chỉ trong vòng chưa đến 1 năm trên địa bàn TP có hơn 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động; 1.300 doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng...
 Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Ngọc Huân.
Tham gia hội nghị qua kết nối video, giáo sư Chung Trần- Giảng viên kinh tế Đại học ANU, kiều bào Úc, đã lần lượt điểm qua về cách sử dụng các biện pháp tài chính để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 của một số quốc gia. Theo giáo sư Chung Trần hiện ngân hàng Trung ương các nước đã giảm lãi suất cơ bản về mức rất thấp cận 0 hoặc âm, việc nới lỏng cung tiền phi truyền thống cũng không thể mở hơn nữa, dư địa để sử dụng các giải pháp tiền tệ, tín dụng đã không còn nhiều.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – kiều bào Mỹ điểm lại các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian qua. "Đến thời điểm hiện nay việc tiếp cận các gói hỗ trợ, hấp thu các gói hỗ trợ vẫn còn rất thấp. Trong khi đó, nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lớn để duy trì tính thanh khoản. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp lại không có khả năng vay tiền của ngân hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2020, dư nợ của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 6,09%, mức tăng trưởng này rất thấp so với những năm trước đây", Tiến sĩ Hiếu nói.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dư địa trong các chính sách tiền tệ và tín dụng còn rất ít. Cộng đồng doanh nghiệp bị tác động mạnh bởi đại dịch không còn khả năng đóng thuế, trong khi đó áp dụng các chính sách giảm lãi suất huy động và cho vay cũng khó có thể mạnh hơn. Tình hình hiện nay rất dễ dẫn đến một tình huống gọi là bẫy tín dụng, nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động, dòng vốn sẽ có nguy cơ rời hệ thống ngân hàng và dòng vốn này sẽ đi vào các kênh đầu tư như bất động sản, vàng, thậm chí là tín dụng đen…
Để giải bài toán khó liên quan đến chính sách tài chính, tín dụng, tiền tệ, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất chính phủ cần đưa ra một kế hoạch chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về viêc thành lập một tổ hợp tín dụng. Tất cả các ngân hàng đều phải tham dự vào tổ hợp này, với tỉ lệ tham gia tương đương 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Tổ hợp này dùng để cho các doanh nghiệo đang khó khăn vì dịch bệnh vay; vay tín chấp; thời hạn 5 năm, lãi suất thấp... Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng sẽ sợ mất vốn không cho vay, trong khi đó quỹ bảo lãnh tín dụng của các địa phương hiện nay không đủ mạnh làm việc này, vì vậy yêu cầu cần phải có một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia mới đủ mạnh.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: “Thành lập một tổ hợp tín dụng cộng với một Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia có thể là một giải pháp tài chính hữu hiệu để giải quyết bài toán vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang và sẽ bị tác động bởi dịch bệnh khắp toàn cầu".
Còn Tiến sĩ Trần Kim Hồng - Việt kiều Úc, đề nghị cần có các nghiên cứu về vấn đề lao động phi chính thức trong và sau đại dịch Covid-19. "Lao động phi chính thức là những người lao động không có việc làm ổn định như nội trợ kết hợp buôn bán, người bán hàng rong… Theo các nghiên cứu, lao động phi chính thức đóng góp khoảng 30% vào GDP. Lao động phi chính thức cũng bị tác động mạnh bởi đại dịch, hậu quả có thể dẫn đến những vấn đề xã hội nghiêm trọng, vì vậy cần có những nghiên cứu hỗ trợ cho lực lượng lao động phi chính thức này", Tiến sĩ Hồng nói.
Sau khi nghe ý kiến tâm huyết của các kiều bào, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, đã hết sức lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp ý nghĩa và sâu sắc của bà con kiều bào.